III- SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI (19/8/1945 - 19/12/1946)

xưởng quân giới Đại tướng Nguyên Giáp thăm xưởng Quân giới Đội Cấn Chiến khu Việt Bắc, ngày 12/9/1950 (Ảnh: Thông tấn Việt Nam) hội nghị phôngtennobolo Quang cảnh Hội nghị Phôngtennơbờlô (Ảnh: Thông tấn Việt Nam)

III- SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI (19/8/1945 - 19/12/1946)

xưởng quân giới Đại tướng Nguyên Giáp thăm xưởng Quân giới Đội Cấn Chiến khu Việt Bắc, ngày 12/9/1950 (Ảnh: Thông tấn Việt Nam) hội nghị phôngtennobolo Quang cảnh Hội nghị Phôngtennơbờlô (Ảnh: Thông tấn Việt Nam)

3. Đối phó với việc địch phá hoại kinh tế - tài chính

Tháng 8/1945, khi Mặt trận Việt Minh lãnh đạo quần chúng nhân dân Tổng khởi nghĩa và đứng lên giành chính quyền, một trong những mục tiêu quan trọng mà lực lượng cách mạng phải chiếm giữ là hệ thống tài chính - tiền tệ nhằm giúp chính quyền mới có điều kiện hoạt động và thực hiện các công việc đảm bảo đời sống nhân dân.

Tuy nhiên, Ngân hàng Đông Dương do có quân đội phátxít Nhật canh giữ, sau đó quân đội Trung Hoa Dân quốc của tướng Lư Hán đã vào tiếp quản. Hậu quả là ngay sau khi thực dân Pháp quay trở lại tái chiếm Nam Bộ vào cuối tháng 9/1945 thì Ngân hàng Đông Dương do thực dân Pháp nắm quyền in ấn, phát hành tiền tệ đã ngưng hoàn toàn việc cung cấp tiền cho Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, gây khó khăn cho nền kinh tế Việt Nam.

Mặt khác, Chính phủ còn phải đối phó với nạn tiền Quan kim, Quốc tệ do quân đội Trung Hoa Dân quốc đem vào Việt Nam. Đội quân này tự tiện áp đặt tỷ giá khác xa thực tế, 1 đồng Quan kim đổi 1,5 đồng Đông Dương và 13,3 đồng Quốc tệ đổi 1 đồng Đông Dương, nhằm vơ vét của cải của nhân dân ta với giá rẻ mạt và lũng đoạn nền kinh tế Việt Nam. Trong khi đó, tỷ giá trên thị trường phải là 2,5 đồng Quan kim hoặc 50 - 60 đồng Quốc tệ mới đổi được 1 đồng Đông Dương1. Tình hình nghiêm trọng hơn khi đội quân này yêu cầu phải được đổi đến 4,5 tỉ đồng bạc Đông Dương, gấp hai lần số tiền đang lưu hành trên toàn lãnh thổ Việt Nam thời kỳ này.

Để tránh xung đột, thực hiện hòa hoãn về chính trị, Chính phủ đã quyết định tạm thời cho phép lưu hành những đồng tiền này trong phạm vi trao đổi hàng hóa giữa nhân dân Việt Nam với quân đội Trung Hoa Dân quốc. Việc đồng Quan kim mất giá nhanh chóng nhưng đội quân này vẫn ép người dân phải bán hàng hóa cho chúng đã gây nhiều tác động xấu. Chỉ sau khi đội quân này rút khỏi Việt Nam theo Hiệp ước Hoa - Pháp ngày 28/02/1946 và Hiệp định sơ bộ Việt Nam - Pháp ngày 06/3/1946, gánh nặng tài chính này mới được gạt bỏ.

Thực dân Pháp cũng đơn phương tuyên bố vô hiệu hóa toàn bộ tờ giấy bạc mệnh giá 500 đồng Đông Dương (tháng 11/1945), ấn định tỷ giá mới 1 đồng Đông Dương đổi 17 đồng franc (tháng 12/1945), cao hơn rất nhiều so với mức tỷ giá trước đây (1 đồng Đông Dương đổi 10 đồng franc) và phát hành mới tờ giấy bạc mệnh giá 100 đồng và 50 đồng Đông Dương (tháng 3/1946). Kể cả sau khi Tạm ước về quan hệ Việt Nam - Pháp được ký vào ngày 14/9/1946, thực dân Pháp tiếp tục đẩy mạnh các hành động khiêu khích kinh tế như tự ý tăng gấp đôi thuế nhập khẩu bông sợi, tăng gấp đôi giá bán vải cho Chính phủ ta. Các hành động này đều nhằm bóp nghẹt hoạt động kinh tế nước ta, đặc biệt là gây khó khăn cho cuộc kháng chiến của ta tại Nam Bộ.

Chính phủ đã sớm chủ trương và tiến hành bí mật việc phát hành đồng tiền riêng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhằm bảo đảm cho sự hoạt động của Chính phủ và đời sống nhân dân cũng như khẳng định nền độc lập, tự chủ quốc gia. Nhằm hỗ trợ chính quyền cách mạng khắc phục khó khăn về phương tiện in tiền, nhà tư sản dân tộc Đỗ Đình Thiện đã mua lại Nhà máy in Taupin từ tay tư sản Pháp rồi hiến tặng cho Chính phủ. Nhà máy Giấy Đáp Cầu chịu trách nhiệm cung cấp giấy để in tiền; đồng thời, các công nhân lành nghề, yêu nước tại Nhà in Taupin được vận động giúp tạo ra các bản in.

Đồng tiền đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được lưu hành tại vùng Nam Trung Bộ vào ngày 03/02/1946. Đến trước ngày Toàn quốc kháng chiến, đồng tiền độc lập đã thay thế đồng tiền Đông Dương trên toàn bộ thị trường vùng tự do. Nhân dân cả nước nhiệt liệt chào đón, hoan nghênh đồng tiền độc lập, gọi đồng tiền này là “giấy bạc Cụ Hồ”. Qua việc thu đổi đồng Đông Dương khi phát hành tiền mới, Chính phủ đã dần hạn chế được các thủ đoạn của thực dân Pháp trong mưu đồ nhiễu loạn nền kinh tế - tài chính Việt Nam. Đồng thời, một phần tiền Đông Dương thu đổi được lại trở thành nguồn ngoại tệ dự trữ để mua những mặt hàng trong vùng Pháp chiếm đóng, giúp Chính phủ đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa, duy trì lưu thông hàng hóa giữa các vùng miền trong cuộc kháng chiến trường kỳ sau này.

Đội quân Trung Hoa Dân quốc

Tháng 8/1945, thiếu tá Archimedes L.A Patti - Trưởng ban Đông Dương của OSS (Cơ quan Phục vụ chiến lược Mỹ) đã có mặt tại Hà Nội để thực hiện nhiệm vụ giải cứu tù binh và chuẩn bị cho việc giải giáp quân đội phátxít Nhật tại Bắc Đông Dương.

Sự can thiệp thô bạo vào nền kinh tế, tài chính Việt Nam của đội quân Trung Hoa Dân quốc đã được ông Archimedes L.A Patti ghi lại trong hồi ký “Why Vietnam” (Tại sao Việt Nam?) như sau: “Suốt đêm hôm đó, quân của tướng Lư Hán tràn vào thành phố, ầm ầm tiếng xe cộ đi lại, tiếng máy nổ, tiếng hô các hiệu lệnh... Nhưng chỉ sáng hôm sau, chúng tôi đã chứng kiến một cảnh tượng trái ngược hẳn. Đội quân này đã biến chất một cách ghê gớm! Đội quân tinh nhuệ hôm qua đã trở thành đội quân đi cướp, chiếm đất. Ra phố, tôi chỉ thấy một cảnh tượng lộn xộn không thể tả được cùng với những người Trung Quốc lang thang không mục đích... Chỉ còn thấy các đơn vị dân binh Trung Quốc quần áo rách rưới lộn xộn, đi dép cao su làm từ các lốp xe Jeep và mang đủ các loại vũ khí linh tinh...

Lư Hán ấn định một cách chính thức và một chiều tỷ giá hối đoái là 14 ăn 1. Tỷ lệ này đối với đồng Quốc tệ mất giá cùng với các thủ đoạn tài chính khác đã đặt khuôn khổ cho một chợ đen đồ sộ, tàn phá nền kinh tế Việt Nam...Với những đồng Quan kim mà ở Trung Quốc phải có hàng tấn mới có giá trị, các sĩ quan Trung Hoa Dân quốc ở Việt Nam có những quan hệ kinh doanh riêng, đã kết hợp chặt chẽ với con buôn, chủ nhà băng và thầu khoán để mua bằng một giá rẻ mạt mọi thứ có lợi mà họ thấy ở Việt Nam”.

Nguồn: Archimedes L.A.Patti: Tại sao Việt Nam?, Nxb. Đà Nẵng, 1995, tr.288.


1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Lịch sử Ngân hàng Việt Nam 1951 - 2021, Nxb. Lao động, Hà Nội, 2021, tr.21.

1. Sản xuất công nghiệp

a) Khu vực dân doanh

Hưởng ứng các chính sách cởi mở của chính quyền mới, nhiều chủ nhà máy, cơ sở sản xuất đã tập trung nhanh chóng khôi phục hoạt động, cũng như mở rộng quy mô, thành lập mới các công ty; trong đó, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chủ trương tập trung khôi phục hoạt động khai khoáng - lĩnh vực công nghiệp quan trọng nhất thời kỳ này. Chính phủ đã bãi bỏ việc giữ độc quyền tìm kiếm và khai thác mỏ của chính quyền thuộc địa trước đây tại một số khu vực1 và khuyến khích các doanh nghiệp người Việt tham gia hoạt động khai khoáng. Qua đó, khơi thông các nguồn lực đầu tư của tư nhân vào công cuộc kiến quốc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 91/SL ngày 30/5/1946 cho phép ông Đỗ Long Giang tại Hà Nội được thăm dò và khai thác than tại khu vực Giáp Khẩu (Hải Phòng) với diện tích 900 ha trong vòng 30 năm. Sắc lệnh cũng nêu rõ, ông Đỗ Long Giang phải nộp vào ngân sách nhà nước 9.000 đồng Đông Dương trong vòng 3 tháng kể từ ngày nhận được giấy phép, chủ mỏ cũng phải nộp ngân sách 2 đồng Đông Dương trên mỗi tấn than khai thác được và hoạt động khai thác phải được bắt đầu ngay trong vòng 4 tháng kể từ ngày nhận được giấy phép nếu không quyền khai thác sẽ bị hủy bỏ.

Đồng thời, Chính phủ cho phép hoạt động lại hàng loạt mỏ than tại các vùng Hòn Gai, Tân Trào, Làng Cẩm, Phấn Mễ, Quyết Thắng và mỏ thiếc tại Tĩnh Túc vốn bị quân đội phátxít Nhật chiếm đóng trước đây. Một số nhà tư sản khác cũng nộp đơn xin thành lập các khu mỏ mới và mở rộng khai khoáng như mỏ Minh Nhân VII và VIII do ông Cai Văn Minh đứng đơn, mỏ Đồng Hỷ do ông Bùi Văn Khanh đứng đơn2... Tuy nhiên, các công việc này chưa hoàn thành đã phải hủy bỏ, do thực dân Pháp mở rộng chiến tranh.

Hoạt động sản xuất tại nhiều nhà máy, xí nghiệp thuộc các lĩnh vực công nghiệp quan trọng khác như điện, nước, bông sợi, vải, cơ khí... đặc biệt là tại khu vực miền Bắc đã cơ bản đạt mức thông thường. Hoạt động sản xuất của một số doanh nghiệp quy mô vừa của người Việt sản xuất một số loại hàng tiêu dùng trước đây chỉ do nhà máy của người Pháp sản xuất hoặc phải nhập khẩu đã được đẩy mạnh.

b) Khu vực quốc doanh

Nhằm kiểm soát các nguồn lực quan trọng phục vụ quá trình tái thiết nền kinh tế, giải quyết việc làm cho người công nhân, tăng thêm nguồn thu cho ngân sách, Chính phủ chủ trương thành lập một số đơn vị sản xuất quốc doanh. Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ban hành Sắc lệnh số 90/SL ngày 30/5/1946 nhằm bãi bỏ các quy định của chính quyền thuộc địa trước đây về việc độc quyền tìm kiếm và khai thác mỏ tại các khu vực Đông Triều, Thái Nguyên, Trà My, Đông Sơn, Khe Bố và đưa các khu này trở thành khu mỏ của Nhà nước. Theo đó, Chính phủ giao Bộ Kinh tế3 chỉ đạo công tác điều hành khai thác tại các khu mỏ này, phục vụ nhu cầu nguyên liệu đầu vào của nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất trên cả nước, bao gồm cả các xí nghiệp quân giới quan trọng phục vụ cho công cuộc kháng chiến. Sắc lệnh này cũng nêu rõ những quyền sở hữu trước đây tại các khu mỏ này nếu phù hợp với các quy định mới của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đều được tôn trọng.

Đối với một số cơ sở công nghiệp vô chủ hoặc được lực lượng quần chúng giành quyền kiểm soát từ tay thực dân Pháp và quân đội phátxít Nhật, Chính phủ đã huy động lực lượng công nhân sửa chữa và thành lập các ban quản trị để trông coi và điều hành sản xuất.

Điển hình, Nhà máy Giấy Đáp Cầu bị quân Đồng minh ném bom gây thiệt hại nặng hồi tháng 7/1945, giới chủ Pháp đã bỏ trốn để không phải phục vụ sản xuất cho quân đội phátxít Nhật. Lực lượng công nhân nhà máy đã tiến hành sửa chữa và nhanh chóng thành lập ban quản trị để khôi phục sản xuất. Nhà máy đã tập trung giải quyết việc thiếu hụt bột giấy bằng cách tận dụng nguyên liệu nứa và giấy thải loại, giúp đưa sản lượng trong năm 1946 vượt mức đỉnh của năm 1939 và được Chính phủ giao nghiên cứu sản xuất giấy in tiền. Tương tự, Nhà máy Cơ khí Trường Thi cũng được lực lượng công nhân thành lập ban quản trị và khôi phục hoạt động, vừa sửa chữa các đầu máy xe lửa, phụ tùng ngành đường sắt, vừa chế tạo, sửa chữa các loại vũ khí.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sớm tập trung phát triển lĩnh vực công nghiệp quốc phòng và giao Nha Khoáng chất và Kỹ nghệ Việt Nam thuộc Bộ Kinh tế Quốc gia chịu trách nhiệm tổ chức sản xuất vũ khí, trưng dụng các nhà máy cần thiết nhằm chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược4.

c) Tiểu thủ công nghiệp

Đối với lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, Chính phủ hết sức khuyến khích phát triển. Trong chỉ thị Công việc khẩn cấp bây giờ, viết ngày 05/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh việc phát triển tiểu thủ công nghiệp là một trong những nhiệm vụ phát triển kinh tế trọng tâm5. Chính quyền tại nhiều địa phương đã hỗ trợ nguyên vật liệu cũng như vốn để giúp các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp khôi phục sản xuất.

Bên cạnh đó, hàng hóa dần được lưu thông tự do giữa các vùng miền cũng giúp giải tỏa áp lực thiếu hụt nguyên vật liệu đầu vào và thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, tạo điều kiện cho nhiều ngành nghề tiểu thủ công nghiệp phục hồi, như: kim khí, mộc, dệt vải truyền thống, làm giấy thủ công... Qua đó, góp phần đảm bảo cung ứng hàng hóa đầy đủ cho nhân dân và cho các đơn vị chiến đấu trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

xưởng quân giới Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm xưởng Quân giới Đội Cấn ở Chiến khu Việt Bắc, ngày 12/9/1950 (Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam)

d) Đối với tư bản Pháp và nước ngoài

Mặc dù bãi bỏ các quy định hạn chế kinh doanh, độc quyền kinh doanh dưới thời chính quyền cũ trước đây vốn nhằm chủ yếu bảo vệ lợi ích của giới tư bản Pháp và Nhật, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chủ trương tôn trọng các quyền kinh doanh đã được xác lập trước đây của các doanh nghiệp nước ngoài cũng như tạo điều kiện cho phép giới tư bản Pháp, Nhật nói riêng và tư bản nước ngoài nói chung duy trì hoạt động kinh doanh bình thường, nhưng phải tuân theo các quy định của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Chính phủ cũng cố gắng không gây những xáo trộn không cần thiết đối với các công ty, cơ sở sản xuất - kinh doanh của giới tư bản nước ngoài tại Việt Nam, trừ một số nhà máy, xí nghiệp của giới tư bản nước ngoài có ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế, quốc phòng, sự hoạt động của các cơ quan nhà nước và đời sống nhân dân, Chính phủ đã tiến hành quốc hữu hóa như Nhà máy nước Hà Nội, Nhà in L’Action tại Hà Nội...

Trong khuôn khổ Hội nghị Phôngtennơbờlô (Fontainebleau) tại Pháp vào tháng 7/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục nhấn mạnh: “Nước Việt Nam sẵn sàng bảo đảm an toàn cho các số vốn của Pháp đầu tư vào trong lãnh thổ của mình”.

Nhờ các chủ trương này mà nhiều nhà máy thuộc giới tư bản Pháp chuyên sản xuất bông sợi, dệt vải, ximăng, gạch, cơ khí... vẫn hoạt động bình thường sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, giúp đảm bảo cung ứng hàng hóa cần thiết, cũng như duy trì công việc cho lực lượng lớn công nhân.

Đối với các nước Mỹ, Hà Lan, Anh và các thuộc địa của nước Anh, Chính phủ đã bãi bỏ quy định bắt buộc phải kê khai tài sản và tịch biên tài sản của chính quyền thuộc địa trước đây nhắm vào các cá nhân hoặc công ty của những nước này có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Tháng 12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Lời kêu gọi đến Liên hợp quốc trong đó nói rõ thiện chí “Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình. Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế. Nước Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc”6. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chú trọng bảo vệ quyền lợi của người lao động tại các nhà máy, xí nghiệp thuộc giới tư bản nước ngoài, điều tiết hài hòa quyền lợi giữa giới chủ và người lao động.

hội nghị phôngtenobolo Quang cảnh Hội nghị Phôngtennơbờlô (Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam)

Cuộc đình công của công nhân Nhà máy Sợi Nam Định

Ngày 16/10/1946, thực dân Pháp tự ý tăng mạnh thuế đối với bông nhập khẩu, giới tư bản Pháp tại Nhà máy Sợi Nam Định cũng được chỉ đạo để tăng giá bán vải cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lên gấp đôi. Đây là hành vi khiêu khích kinh tế thô bạo và vi phạm trắng trợn chủ quyền dân tộc ta trong vấn đề thuế quan. Chính phủ đã lên tiếng phản đối và yêu cầu giới chủ nhà máy phải giữ mức bán vải như thông thường. Tuy nhiên, giới tư bản Pháp không thực hiện yêu cầu này, mà còn tiếp tục tăng giá bán vải cân cho công nhân lên gấp đôi, đồng thời tự ý cho thôi việc 200 công nhân. Ngày 13/11/1946, toàn bộ công nhân Nhà máy Sợi Nam Định đã tổ chức đình công, thành lập Ủy ban Đấu tranh nhằm chống lại sự áp bức của thực dân Pháp. Ủy ban Đấu tranh đã tuyên truyền giải thích cho đồng bào các nơi hiểu rõ ý nghĩa, mục đích cuộc bãi công và kêu gọi mọi người ủng hộ. Đồng thời, Ủy ban đấu tranh tích cực tìm kiếm lo liệu công ăn việc làm và gạo cho công nhân. Báo Cứu quốc và tất cả báo chí lúc đó đã đưa tin về cuộc đấu tranh này, biểu dương tinh thần công nhân Nhà máy Sợi Nam Định, kêu gọi công nhân và nhân dân cả nước ủng hộ. Công nhân và nhân dân các tỉnh Nam Định, Hồng Gai, Hà Đông, Phú Thọ, Sơn Tây, Quảng Ngãi, Hà Nội đã gửi thư cổ vũ, quyên tiền ủng hộ công nhân Nhà máy Sợi Nam Định. Cuộc bãi công kéo dài đến ngày Toàn quốc kháng chiến, vì thực dân Pháp không chịu nhượng bộ. Cuộc bãi công có tiếng vang lớn, gây nhiều thiệt hại cho giới chủ Pháp.


1. Sắc lệnh số 89/SL ngày 30/5/1946 của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

2. “Nghị định của Bộ trưởng Bộ Quốc dân Kinh tế”, Việt Nam Dân quốc Công báo, số 47, ngày 23/11/1946, tr.624.

3. Bộ Quốc dân Kinh tế được đổi tên thành Bộ Kinh tế dưới thời Chính phủ Liên hiệp kháng chiến Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (thành lập ngày 02/3/1946).

4. Sắc lệnh số 12/SL ngày 07/9/1945 của Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.8, tr.140.

6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.523.

Danh mục

Tùy chỉnh