VI- CHUẨN BỊ TIẾP QUẢN THỦ ĐÔ

Bờ Hiền Lương Khẩu hiệu đặt bên bờ bắc cầu Hiền Lương trong những năm tháng đất nước bị chia cắt (Ảnh: LIFE) chợ Đồng Xuân 1954 Toàn cảnh mặt trước chợ Đồng Xuân năm 1954 (Ảnh: Thông tấn Việt Nam) mậu dịch Mậu dịch quốc doanh mở cửa, hoạt động kinh tế trở lại ngay sau ngày giải phóng Thủ đô (Ảnh: Thông tấn Việt Nam)

VI- CHUẨN BỊ TIẾP QUẢN THỦ ĐÔ

Bờ Hiền Lương Khẩu hiệu đặt bên bờ bắc cầu Hiền Lương trong những năm tháng đất nước bị chia cắt (Ảnh: LIFE) chợ Đồng Xuân 1954 Toàn cảnh mặt trước chợ Đồng Xuân năm 1954 (Ảnh: Thông tấn Việt Nam) mậu dịch Mậu dịch quốc doanh mở cửa, hoạt động kinh tế trở lại ngay sau ngày giải phóng Thủ đô (Ảnh: Thông tấn Việt Nam)

2. Giai đoạn 1951 - 1954

Trong giai đoạn này, nền kinh tế vùng tạm bị địch chiếm xuất hiện hiện tượng lạ, mặc dù đồng tiền Đông Dương ngày càng mất giá nhưng hàng hóa nhập khẩu ngày càng tăng, khiến giá bán một số hàng hóa có xu hướng sụt giảm, trái ngược các quy luật kinh tế thông thường. Nguyên nhân là do tình trạng buôn lậu tiền tệ của chính giới tư bản Pháp.

Lợi dụng việc tỷ giá chính thức cao hơn tới 50% tỷ giá trên thị trường, giới tư bản Pháp đã cấu kết với hàng loạt chính khách, lãnh đạo quân đội Pháp và chủ các ngân hàng Pháp tại Việt Nam để buôn lậu tiền tệ bằng cách mua đồng Đông Dương tại Việt Nam theo tỷ giá thực tế rồi tìm cách chuyển hợp pháp về Pháp để hưởng tỷ giá chính thức, ăn chênh lệch 8 - 10 đồng franc trên mỗi đồng Đông Dương chuyển trót lọt. Đồng franc sau đó lại dùng để thu mua hàng hóa tại Pháp, chuyển về Việt Nam bán để thu đồng Đông Dương, thực hiện một vòng quay buôn lậu tiền tệ mới. Do mức lợi nhuận quá lớn và để thực hiện vòng quay nhanh hơn, những kẻ buôn lậu chấp nhận bán các mặt hàng nhập khẩu tại Việt Nam với giá rất rẻ, thậm chí dưới cả giá trị thực của hàng hóa. Giới tư bản Pháp vừa hưởng lợi nhờ kiếm lợi nhuận từ Chính phủ Pháp, vừa tiêu thụ được hàng hóa.

Tuy nhiên, hoạt động buôn lậu này trực tiếp khiến cho các lĩnh vực sản xuất công nghiệp tại vùng tạm bị địch chiếm, nhất là các ngành sản xuất hàng tiêu dùng như dệt, bông sợi, giấy... dần lụi bại vì sự cạnh tranh khốc liệt của hàng nhập khẩu. Trong khi đó, lực lượng kháng chiến của ta tại các vùng tự do lại tận dụng điều này để thu mua được nhiều mặt hàng cần thiết với giá rẻ.

Đến năm 1953, khi đã chuyển giao xong phần lớn gánh nặng chi phí chiến tranh sang phía Mỹ thông qua các khoản viện trợ, Chính phủ Pháp quyết định phá giá đồng Đông Dương về mức 1 đồng Đông Dương đổi 10 franc. Ngoài việc chống nạn buôn lậu tiền tệ, Chính phủ Pháp kỳ vọng biện pháp này cũng giúp đẩy mạnh xuất khẩu, cải thiện nền kinh tế Đông Dương để chính nền kinh tế Việt Nam gánh bớt chi phí chiến tranh. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất tại vùng tạm bị địch chiếm sau thời gian dài bất ổn khiến năng lực xuất khẩu gần như không còn.

Không chỉ đối mặt với những rối loạn trên thị trường thương mại, nền kinh tế vùng tạm bị địch chiếm còn chứng kiến tinh thần rã đám lan rộng trong giới tư bản Pháp. Ngày càng nhiều doanh nghiệp ngưng rót vốn vào Việt Nam, tìm cách thu hồi dần vốn và chuyển hướng đầu tư sang các thị trường khác. Số ít doanh nghiệp còn lại chỉ kinh doanh ngắn hạn, tập trung bóc lột triệt để những gì dễ khai thác, thu hoạch và vận chuyển nhất.

Cách vận hành này cộng hưởng với những khiếm khuyết sẵn có của nền kinh tế vùng tạm bị địch chiếm khiến nhiều hoạt động sản xuất tại đây lao dốc nhanh chóng chỉ trong thời gian ngắn, khi cục diện chiến tranh ngày càng cho thấy rõ quân đội Pháp không thể tránh khỏi thất bại. Ví dụ, sản lượng đường trắng trong năm 1953 chỉ đạt 320 tấn, bằng 20% mức sản lượng của năm 19501. Việc sản xuất cồn nhiên liệu dừng hoàn toàn. Hoạt động sản xuất công nghiệp co cụm lại tại một số ít thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Sài Gòn - Chợ Lớn.

1. Những khó khăn và giải pháp

Thắng lợi trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 với đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ của quân và dân ta đã buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào, Campuchia, tại Giơnevơ vào ngày 21/7/1954, lập lại hòa bình tại Đông Dương.

Theo Hiệp định Giơnevơ, Việt Nam tạm thời chia làm hai miền Nam, Bắc, phân chia bởi vĩ tuyến 17, để hai bên tập kết lực lượng quân sự, giải quyết các vấn đề sau chiến tranh. Quân đội Pháp tại miền Bắc sẽ rút vào tạm đóng ở miền Nam rồi sẽ rút hoàn toàn khỏi Việt Nam. Việc rút quân được thực hiện theo từng khu vực trong những khoảng thời gian được thoả thuận. Ở miền Bắc, một số khu vực trở thành vùng tập kết, chuyển quân của quân đội Pháp như Hà Nội với thời gian chuyển quân là 80 ngày, Hải Phòng với thời gian tập kết lên tới 300 ngày.

Tuy nhiên, việc buộc thực dân Pháp dù vừa bại trận nhưng vẫn còn lực lượng quân sự đông đảo trên lãnh thổ Việt Nam và vẫn có âm mưu kéo dài sự thống trị của họ ở Đông Dương thực hiện Hiệp định một cách nghiêm túc là nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp.

Bờ Hiền Lương Khẩu hiệu đặt bên bờ bắc cầu Hiền Lương trong những năm tháng đất nước bị chia cắt (Ảnh: LIFE)

Trên mặt trận kinh tế, ba nhiệm vụ cấp bách được đặt ra đối với Bộ Công Thương, gồm: tiếp tục duy trì hoạt động kinh tế diễn ra bình thường tại vùng tự do, chuẩn bị các nguồn lực cần thiết phục vụ việc tiếp quản Thủ đô Hà Nội, và xác định phương hướng hòa nhập nền kinh tế tại vùng tự do cũ với vùng mới được giải phóng (vùng tạm bị địch chiếm trước đây) thành một nền kinh tế duy nhất, hoàn chỉnh. Các nhiệm vụ này cần được giải quyết chỉ trong vòng chưa đến 100 ngày để đảm bảo việc tiếp quản Hà Nội nói riêng và các khu vực khác diễn ra thuận lợi.

Khó khăn lớn nhất nổi lên là việc phải xây dựng được chính sách giá phù hợp, làm cơ sở cho việc thống nhất giá cả giữa vùng tự do và vùng mới được giải phóng trong bối cảnh giá cả giữa hai vùng có sự chênh lệch mạnh.

Khi Hiệp định Giơnevơ bắt đầu được thi hành, ranh giới quân sự giữa vùng tự do và vùng tạm bị địch chiếm được xóa bỏ, toàn bộ các hạn chế trước đây về giao thương, di chuyển được dỡ bỏ. Ngay lập tức, lượng lớn hàng hóa giá rẻ tại vùng tạm bị địch chiếm tràn sang vùng tự do, khiến giá hàng hóa trên vùng tự do sụt giảm mạnh. Điều này một mặt có lợi cho người tiêu dùng, mặt khác có ảnh hưởng tiêu cực nhất định đến sự hoạt động của các cơ sở sản xuất, tiểu thủ công nghiệp trong vùng tự do. Giới thương nhân vùng tự do cũng chịu ảnh hưởng mạnh khi vừa mới gom thu mua hàng hôm qua thì hôm sau giá hàng hóa đã tụt xuống thấp hơn.

Khó khăn lớn thứ hai là lượng hàng hóa dự trữ thiết yếu mà Sở Mậu dịch nắm giữ lúc này còn lại tương đối ít. Các mặt hàng thực phẩm, gạo nói chung đã được huy động sử dụng gần hết trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954. Một số mặt hàng như muối lại nằm tại các kho dự trữ sâu trong vùng rừng núi nhằm đảm bảo an toàn trong kháng chiến, khiến việc vận chuyển ra khu vực mới giải phóng gặp nhiều khó khăn. Các mặt hàng công nghiệp tiêu dùng tương đối dồi dào hơn, nhưng có một số mặt hàng như vải sợi được đánh giá không phù hợp với người tiêu dùng thành thị trong vùng mới giải phóng, đồng thời, phát sinh thêm nhu cầu phải chuẩn bị một số mặt hàng mới mà từ trước đến nay hệ thống mậu dịch của ta gần như không có hoặc không dự trữ số lượng lớn, điển hình là xăng dầu và than đá.

Đối với xăng dầu, từ trước đến nay, nhu cầu nhiên liệu vốn do lực lượng hậu cần quân đội tự đảm bảo để phục vụ các hoạt động quân sự, nhưng Sở Mậu dịch nay sẽ phải đảm bảo cung ứng nhiên liệu cho nhu cầu dân sự tại các khu vực thành thị. Đối với than đá, nhu cầu sử dụng dự kiến ở mức rất lớn do mức tiêu thụ cao của các nhà máy, cơ sở kinh doanh, tiếp đến là các phương tiện vận tải như tàu hỏa, tàu thủy, cũng như sinh hoạt của nhân dân. Đặc biệt, phải đảm bảo cung ứng liên tục than cho các nhà máy điện. Các mỏ than tại vùng tự do cũ có quy mô nhỏ, sản lượng thấp và quy cách chất lượng không đáp ứng; các mỏ than lớn tại Hòn Gai lại nằm trong khu vực tập kết 300 ngày của quân đội Pháp.

Khó khăn lớn thứ ba là Sở Mậu dịch chưa có mạng lưới cơ sở phân phối, hệ thống kho hàng tại các khu vực mới được giải phóng; đồng thời, đội ngũ cán bộ hệ thống mậu dịch phần lớn chỉ hoạt động ở khu vực nông thôn, miền núi và chưa có kinh nghiệm quản lý hoạt động thương mại ở khu vực đô thị. Cơ sở cách mạng ở một số nơi còn yếu và mỏng, chính quyền cơ sở chưa được thiết lập, nên hoạt động điều phối thương mại, quản lý sản xuất trong những ngày đầu tiếp quản vùng mới giải phóng dự kiến gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, lợi dụng thời gian tập kết, quân đội Pháp, các thế lực phản động cũng như giới tư bản Pháp ngấm ngầm phá hoại triệt để các cơ sở vật chất, tháo gỡ máy móc, di chuyển vật tư hàng hóa, tài liệu quý... nhằm làm cho miền Bắc trở nên trống rỗng, tê liệt hoàn toàn khi chúng rút đi. Điển hình, giới chủ Nhà máy Điện Yên Phụ tại Hà Nội hạn chế nhập thêm than, sử dụng cạn kiệt than trong kho dự trữ nhằm gây mất điện thành phố sau ngày giải phóng. Tại Nhà máy Dệt Nam Định, giới chủ âm mưu tháo gỡ toàn bộ các máy móc quan trọng và vật tư sản xuất để chuyển vào miền Nam. Nguy hiểm hơn, địch tăng cường tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ đối với công chức, trí thức, học sinh, sinh viên, tư sản, tiểu thương với những luận điệu như “tư sản, tiểu thương không được buôn bán”, “học sinh, sinh viên không được đi học”... và cưỡng ép công nhân, viên chức và đồng bào di cư vào Nam. Điều này gây ra tâm lý hoang mang trong một bộ phận dân chúng sinh sống tại vùng tạm bị địch chiếm.

Việc thiếu hụt hàng hóa, vật tư sản xuất cũng như biến động giá lớn sẽ khiến các hoạt động kinh tế bị đình trệ, đời sống nhân dân bị xáo trộn, ảnh hưởng xấu đến uy tín của chính quyền cách mạng.

Nhằm giải quyết các khó khăn này, Bộ Công Thương đề xuất phải chủ động can thiệp, thống nhất giá trên thị trường và sử dụng giá ở vùng tự do làm cơ sở để điều chỉnh giá trên vùng mới được giải phóng. Bởi lẽ, nếu để giá hàng hóa trên thị trường giữa vùng tự do và vùng mới được giải phóng tự điều chỉnh thì hậu quả sẽ khôn lường, ảnh hưởng tiêu cực lâu dài. Trước tiên là gây mất ổn định sản xuất và kinh doanh trong vùng tự do. Thời gian đầu, giá cả sẽ giảm, nhưng đến khi lượng hàng tồn trong vùng mới được giải phóng cạn kiệt thì sẽ dẫn đến tình trạng đầu cơ, thao túng giá khiến giá cả tăng mạnh.

Tại sao phải sử dụng giá hàng hóa ở vùng tự do vốn ở mức cao hơn so với vùng mới được giải phóng làm cơ sở để điều chỉnh giá toàn nền kinh tế mà không phải ngược lại? Do nền kinh tế vùng mới được giải phóng tuy phát triển ở mức độ nhất định, nhưng về bản chất vẫn là nền kinh tế phục vụ chiến tranh. Nguồn hàng hóa dồi dào, nhưng hầu như là đến từ bên ngoài và không phải bằng hoạt động xuất, nhập khẩu bình thường, mà bằng viện trợ và những hoạt động đầu cơ tiền tệ.

Chợ Đồng Xuân 1954 Toàn cảnh mặt trước chợ Đồng Xuân năm 1954 (Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam)

Vì vậy, nền kinh tế này sẽ nhanh chóng rối loạn, tự sụp đổ khi các nguồn lực bên ngoài bị rút đi. Trong khi đó, nền kinh tế của vùng tự do tuy nghèo nàn, kém phát triển hơn do chiến tranh, nhưng cơ bản tự chủ, đáp ứng được các nhu cầu của nhân dân. Trong điều kiện hòa bình, sẽ phát triển nhanh, tiến tới hình thành một nền kinh tế độc lập, vững mạnh.

Việc dùng giá của vùng tự do để điều chỉnh, nâng giá hàng hóa tại vùng mới được giải phóng sẽ giúp kích thích hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp vốn bị đình đốn thời gian dài vì không cạnh tranh được với hàng nhập khẩu giá rẻ. Mặt khác, nếu dùng giá của vùng mới được giải phóng để điều chỉnh, kéo giá của vùng tự do xuống thì ta phải có lượng hàng hóa dự trữ rất lớn để sẵn sàng can thiệp thị trường. Việc điều chỉnh giá được áp dụng trước đối với các mặt hàng nông nghiệp nhằm phục hồi nông nghiệp, nhất là tại các vùng “trắng” giáp ranh giữa vùng tự do và vùng tạm bị địch chiếm trước đây. Từ đó làm “cơ sở của việc cải thiện đời sống nhân dân”1. Các mặt hàng công nghiệp sẽ được điều chỉnh giá vào ngày 01/01/1955, tức là gần ba tháng sau ngày ta tiếp quản Hà Nội.

Đồng thời, Bộ Công Thương đề xuất gom mua tối đa hàng hóa nhằm vừa giữ giá ở vùng tự do cũ để duy trì nền kinh tế tại đây vận hành bình thường, vừa tăng cường nguồn hàng hóa, vật tư dự trữ cần thiết cho hệ thống mậu dịch chuẩn bị tiếp quản Thủ đô cũng như các vùng mới được giải phóng. Các chủ trương này được Đảng và Chính phủ chấp thuận; việc triển khai được thực hiện tuyệt đối bí mật, kỹ lưỡng trong các khâu nhằm tránh tình trạng đầu cơ hưởng chênh lệch giữa giá cũ và giá mới, thiếu hụt hàng hóa và rối loạn thị trường khi các thương nhân còn nắm lượng hàng tồn kho rất lớn.

Tuy nhiên, do cảng Hải Phòng nằm trong vùng tập kết 300 ngày của quân đội Pháp, nên địch đã tìm nhiều cách ngăn chặn việc chuyển hàng từ Hải Phòng về Hà Nội bằng đường xe lửa, nhằm gây tình trạng thiếu hụt hàng hóa trên thị trường. Một số hãng buôn đã lợi dụng điều này để găm hàng, đầu cơ. Điều này buộc Bộ Công Thương phải điều chỉnh kế hoạch, cho phép Sở Mậu dịch thu mua các hàng công nghiệp từ các thương nhân đang chào bán. Nhưng số lượng hàng mà giới thương nhân chủ động bán cho Sở Mậu dịch trong giai đoạn này tương đối ít và họ bắt đầu đẩy giá lên để trục lợi, buộc ta phải có các biện pháp điều chỉnh bằng mệnh lệnh hành chính và công cụ thuế khi chính thức điều chính giá các mặt hàng công nghiệp vào đầu năm 1955.

Song song với việc chuẩn bị hàng hóa là công tác kiện toàn đội ngũ cán bộ tham gia quá trình tiếp quản Hà Nội. Các cán bộ tham gia nhiệm vụ lịch sử này đều được tuyển chọn kỹ lưỡng với yêu cầu có trình độ chuyên môn, uy tín cao. Các đoàn công tác đều phải tham gia khóa tập huấn “8 chính sách, 10 điều kỷ luật” về tiếp quản, tập huấn nghiệp vụ, tác phong của người cán bộ quản lý kinh tế hoạt động trên địa bàn thành thị, thái độ giao tiếp với người dân, và tinh thần cảnh giác, đấu tranh với các thủ đoạn lũng đoạn kinh tế của bọn đầu cơ, buôn lậu.


1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.15, tr.295.

Danh mục

Tùy chỉnh