II- CÔNG NGHIỆP

Tự vệ Bánh kẹo

Tự vệ Nhà máy Bánh kẹo Nội đẩy mạnh sản xuất, luyện chắc tay súng, sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống (Ảnh: Thông tấn Việt Nam)

lò cao Thái Nguyên

Công nhân cao Công ty Gang thép Thái Nguyên thi đua sản xuất, năm 1966 (Ảnh: Thông tấn Việt Nam)

Điện Yên Phụ

Công nhân Nhà máy Điện Yên Phụ vận hành máy, tháng 9/1970 (Ảnh: Thông tấn Việt Nam)

II- CÔNG NGHIỆP

Tự vệ Bánh kẹo

Tự vệ Nhà máy Bánh kẹo Nội đẩy mạnh sản xuất, luyện chắc tay súng, sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống (Ảnh: Thông tấn Việt Nam)

lò cao Thái Nguyên

Công nhân cao Công ty Gang thép Thái Nguyên thi đua sản xuất, năm 1966 (Ảnh: Thông tấn Việt Nam)

Điện Yên Phụ

Công nhân Nhà máy Điện Yên Phụ vận hành máy, tháng 9/1970 (Ảnh: Thông tấn Việt Nam)

3. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực

Năm 1965, không quân và hải quân Mỹ tăng cường đánh phá miền Bắc. Đảng ta quyết định chuyển toàn bộ hoạt động của miền Bắc từ thời bình sang thời chiến nhằm bảo đảm có đủ sức mạnh làm tròn vai trò, nhiệm vụ của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn miền Nam. Các trường đại học, trung cấp sơ tán khỏi các khu đô thị để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học. Trường Cán bộ Ngoại giao - Ngoại thương sơ tán về thôn Thù Lâm, xã Tiên Phong, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Khi sơ tán lên Phổ Yên chỉ có khóa 2 và khóa 3 Ngoại thương và Ngoại giao cùng sơ tán theo trường, riêng khóa 1 chiêu sinh từ Trường Kinh tế - Tài chính, chuẩn bị tốt nghiệp nên được phân công tất cả về các tổng công ty xuất nhập khẩu (thuộc Bộ Ngoại thương) để thực tập và ôn thi tốt nghiệp. Bắt đầu khóa 5 (1966 - 1967), Trường Cán bộ Ngoại giao - Ngoại thương được tách ra thành 2 trường: Trường Ngoại giao và Trường Ngoại thương. Khi chia tách thành 2 trường, Trường Ngoại thương chuyển về xã Hồng Sơn, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Với phương châm đào tạo “học đi đôi với hành”, Trường dành hẳn 1 học kỳ để sinh viên đi thực tập nghiệp vụ tại các tổng công ty xuất nhập khẩu và các đơn vị trực thuộc Bộ Ngoại thương. Tuy nhiên, do ngành Ngoại thương thời đó chưa thực sự là “buôn bán quốc tế”, theo những luật lệ và luật chơi của thị trường, chủ yếu là đi xin và tiếp nhận viện trợ từ các nước xã hội chủ nghĩa. Xuất, nhập khẩu với vài thị trường tư bản chủ nghĩa, kim ngạch nhỏ bé chủ yếu qua thị trường Hồng Kông. Vì vậy, nghiệp vụ ngoại thương mà các giáo viên tiếp nhận được từ các công ty xuất nhập khẩu cũng không nhiều.

Để đào tạo nguồn nhân lực có trình độ đại học, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 182/CP ngày 03/9/1965, mở hệ đại học tại Trường Thương nghiệp Trung ương. Trường triển khai đào tạo đại học trong điều kiện có chiến tranh, phải đi sơ tán về nhiều nơi. Ngày 15/6/1966, một số lớp và bộ môn đi sơ tán về thôn Đục Khê, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây. Ngày 16/5/1967, Trường sơ tán về 5 xã Phú Cường, Hùng Cường, Đức Hợp, Mai Động, Phú Thịnh (thuộc huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên). Ở nơi sơ tán, Trường đã thực hiện “giảng dạy và sẵn sàng chiến đấu”, “đảm bảo an toàn tuyệt đối” cho cán bộ, giáo viên, công nhân viên và sinh viên. Cuối năm 1968, khi chiến tranh phá hoại bằng đường không lần thứ nhất chấm dứt, giáo viên và học viên trở về Hà Nội. Đến tháng 4/1972, cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai bắt đầu, một bộ phận cán bộ, giáo viên và sinh viên của Trường sơ tán về huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây. Ngày 10/7/1972, Trường sơ tán về các xã Thạch Đồng và Hoàng Xá (huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ). Từ khi trường sơ tán về Hà Tây, Phú Thọ, việc giảng dạy, học tập phải phân tán ở nhiều thôn, xã, có thời gian phải chia thành lớp nhỏ nên đã gặp rất nhiều khó khăn trong giảng dạy và học tập.

Tình hình của các trường trung cấp kỹ thuật, nghiệp vụ thương mại cũng tương tự. Năm 1966, Trường Trung cao Cơ điện (nay là Đại học Công nghiệp Hà Nội) đổi tên thành Trường Trung học Cơ khí I. Trong thời gian chiến tranh, Trường sơ tán lên tỉnh Vĩnh Phúc. Mặc dù phải đi sơ tán nhiều nơi, việc học tập, nghiên cứu và thực hành hết sức khó khăn, nhưng với tinh thần “mỗi người làm việc bằng hai”, các trường đại học, trung cấp thuộc các bộ quản lý ngành Công Thương đã hoàn thành chỉ tiêu đào tạo và nghiên cứu. Mỗi năm cung cấp hàng vạn cán bộ, kỹ sư, công nhân kỹ thuật, mậu dịch viên... cho các ngành kinh tế. Đặc biệt, cán bộ, giáo viên và học viên các trường thực hiện tốt nhiều nhiệm vụ đột xuất của thời chiến, như lớp Công nghệ phẩm 4, Trường Thương nghiệp Trung ương đã tham gia cứu hàng bị máy bay địch đánh phá tại tổng kho Đức Giang trong trận Điện Biên Phủ trên không 12 ngày đêm; năm 1973, đang trong thời gian chuẩn bị thi tốt nghiệp, lớp Kỹ thuật ăn uống 4 được Bộ Nội thương điều động phục vụ cho việc trình Quốc thư của các nước Á - Phi với Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại tỉnh Quảng Trị, và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được biểu dương khen thưởng...

Trong giai đoạn này, có một số trường được xây dựng ở chiến trường miền Nam, như Trường Nghiệp vụ thương nghiệp Trung Trung Bộ, thành lập ngày 27/3/1973, thuộc Ban Kinh tế Khu V, đóng tại thôn Nước Oa, xã Trà Tân, huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam. Lúc bấy giờ Trường có nhiệm vụ đào tạo cán bộ phục vụ hậu cần cho công cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam và chuẩn bị đội ngũ cán bộ thương nghiệp tham gia công tác tại các tỉnh Khu V sau khi chiến tranh kết thúc. Ngày 29/3/1975, thành phố Đà Nẵng được hoàn toàn giải phóng, Trường được chuyển về đóng tại phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng và tiếp tục sự nghiệp đào tạo cán bộ thương nghiệp cho các tỉnh khu vực miền Trung.

1. Vừa sản xuất vừa chiến đấu

Phương châm chuyển hướng kinh tế sang điều kiện thời chiến là bảo vệ an toàn, tiếp tục sản xuất và phục vụ chiến đấu. Tại Hội nghị cán bộ Đảng từ ngày 02 đến ngày 08/7/1965, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn đã nhấn mạnh đến vai trò của hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa và mối quan hệ gắn bó giữa sản xuất và chiến đấu: “Có chuẩn bị tốt và chiến đấu tốt mới bảo vệ được sản xuất. Có sản xuất dồi dào mới bảo đảm được chiến đấu”; “Phải đem toàn lực ra để đánh giặc và đem toàn lực ra để sản xuất”1.

Trong chiến tranh phá hoại, các xí nghiệp công nghiệp và hệ thống giao thông vận tải huyết mạch là những mục tiêu hàng đầu của không quân Mỹ. Theo thống kê, hầu hết các khu công nghiệp, 100% các nhà máy điện, 345 xí nghiệp bị đánh phá nặng nề (cuộc chiến tranh phá hoại lần đầu có 225 xí nghiệp và lần thứ hai có 120 xí nghiệp).

Đứng trước một thử thách khắc nghiệt khi không quân Mỹ tăng cường bắn phá miền Bắc, ngành Công Thương bước vào cuộc chiến đấu mới, vừa xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội, vừa chi viện cho miền Nam, phục vụ sự nghiệp thống nhất đất nước. Trong cuộc không chiến ác liệt, chỉ riêng bầu trời miền Bắc và con đường huyền thoại Trường Sơn đã phải chịu 5 triệu tấn bom, mìn, hóa chất các loại, nhiều gấp 2,5 lần số bom không quân Mỹ rải xuống trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

Từ tháng 6/1966, Nhà máy Cơ khí Hà Nội đã di chuyển an toàn gần 1.500 tấn phương tiện, thiết bị đến 16 địa điểm ở Hà Bắc (nay là Bắc Ninh và Bắc Giang); Nhà máy Dệt 8-3 với hơn 7.000 công nhân đã phân tán ra nhiều địa điểm nhưng vẫn duy trì sản xuất liên tục. Các đơn vị sản xuất trọng điểm khác như Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Nhà máy Gỗ Cầu Đuống, Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo, Xí nghiệp Dược phẩm 1 (nay là Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 1), Xí nghiệp Dược phẩm 2 (nay là Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 2), Nhà máy In Tiến Bộ... có hàng chục nghìn công nhân, viên chức cùng người thân được sơ tán ra khỏi nội thành.

Trong cuộc chiến vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu, các cơ sở công nghiệp và thương mại thành lập các đội tự vệ, sẵn sàng đương đầu với các cuộc tập kích đường không, bảo đảm các điều kiện cho hoạt động sản xuất thời chiến. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, từ ngày 18 đến ngày 29/12/1972, nhiều cán bộ, công chức thuộc khối cơ quan các bộ: Cơ khí và Luyện kim, Công nghiệp nhẹ, Nội thương, Ngoại thương, Vật tư đã trực tiếp tham gia vào các đơn vị tự vệ phòng không. Lưới lửa phòng không từ trên các nóc nhà 54 Hai Bà Trưng, số 7 Tràng Thi, 91 Đinh Tiên Hoàng, 21 - 23 Ngô Quyền đan dày đặc, góp phần tạo nên các hệ thống phòng không tầm thấp, tầm cao hiệu quả của quân và dân Thủ đô Hà Nội.

Công nhân Điện

Cán bộ, công nhân viên Nhà máy Điện Yên Phụ diễn tập đánh địch giáp lá cà tại Hà Nội, tháng 6/1966 (Ảnh: Trần Nguyên Hợi)

Ngành Điện với khẩu hiệu: “Tổ quốc cần điện như cơ thể cần máu”; “Địch đánh ta phục hồi, địch lại đánh ta lại phục hồi” đã ăn sâu vào tiềm thức cán bộ, công nhân viên. Thực tế, nhiều nhà máy điện đã bị bom đạn giặc Mỹ tàn phá tan hoang. Trong điều kiện đó, nhiều sáng kiến đã ra đời. Để tránh thương vong, Nhà máy Nhiệt điện Thái Nguyên đã làm ống trượt chui vào hầm trú ẩn nhằm “thoát nhanh” khi có máy bay địch ném bom. Sáng kiến này đã được áp dụng ở nhiều nhà máy điện trong suốt cuộc chiến chống máy bay Mỹ. Khi trạm bơm tuần hoàn Nhà máy Điện Việt Trì bị phá hỏng, cán bộ, công nhân viên đã tự thiết kế, lắp đặt trạm bơm số 2 cách đó khoảng 800 m, rút ngắn thời gian phục hồi và hạn chế phạm vi đánh phá của máy bay địch.

Năm 1966, công trình “ống khói ngầm” của Nhà máy Điện Uông Bí (đưa ống khói nhà máy chìm dưới lòng sông để ngụy trang, tránh máy bay địch ném bom) ra đời và đã đi vào lịch sử như một sáng kiến đặc biệt, thể hiện nghị lực, ý chí kiên cường, bất khuất của tuổi trẻ - công nhân Nhà máy Điện Uông Bí. Ống khói ngầm khiến cho máy bay Mỹ tưởng Nhà máy đã “chết”, nhưng chúng không thể hình dung nổi dưới đống đổ nát, hoang tàn, Nhà máy vẫn phát điện, trái tim của hệ thống điện miền Bắc vẫn đập với sức sống diệu kỳ.

Tự vệ thép

Đội tự vệ xưởng Luyện cốc - Công ty Gang thép Thái Nguyên chiến đấu bảo vệ Khu Gang thép (Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam)

Khu Gang thép Thái Nguyên, một trọng điểm bắn phá của không quân Mỹ, những năm tháng ấy đã thành lập lực lượng tự vệ ở tất cả các đơn vị. Các đơn vị tự vệ được trang bị súng phòng không, sau này còn có pháo cao xạ 37 mm, góp phần cùng Bộ đội chính quy Trung đoàn 256 - Quân khu Việt Bắc giăng lưới lửa khi máy bay địch đánh phá Thái Nguyên, tấn công Nhà máy. Từ năm 1966 đến cuối năm 1972, không quân Mỹ đã huy động hơn 1.700 lần, trong đó 42 lần có máy bay B.52 với 115 trận đánh phá, thả gần 3.000 quả bom các loại xuống Khu Gang thép Thái Nguyên, nhưng chúng không đạt được mục đích phá hoại nhà máy, làm ngưng trệ sản xuất. Công nhân, đội “tự vệ thép” với khẩu hiệu “Bám máy, bám lò” sẵn sàng “đổi máu lấy thép” đã di chuyển phân xưởng, dây chuyền ra khỏi mục tiêu, vừa sản xuất, vừa anh dũng chiến đấu. Những mẻ gang vẫn ra lò đi khắp mọi miền Tổ quốc. Trên bầu trời Khu Gang thép Thái Nguyên đã có 59 máy bay bị bắn hạ, 5 phi công Mỹ bị tự vệ bắt sống tại chỗ.

Trong hai lần chiến tranh phá hoại do không quân Mỹ tiến hành, vùng mỏ Quảng Ninh đã trải qua 1.500 ngày trực tiếp đối mặt với các cuộc oanh kích. Trong 1.500 ngày đêm ấy, không quân Mỹ đã đánh vào vùng mỏ Quảng Ninh 2.340 trận, rải 28.531 quả bom, mìn, thủy lôi các loại, gây thiệt hại về tài sản hết sức nặng nề cho các mỏ than.

Nhưng cũng chính trong điều kiện chiến tranh ác liệt, gian khổ ấy, bản lĩnh và ý chí quyết chiến, quyết thắng của công nhân vùng mỏ Quảng Ninh tỏa sáng, một trong những tấm gương tiêu biểu là Đại đội trưởng tự vệ Than Hòn Gai - Anh hùng Lực lượng vũ trang Đặng Bá Hát. Anh hùng Đặng Bá Hát sinh năm 1936 tại thôn Đồng Tái, xã Thống Kênh, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Ông là bộ đội trở về từ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, rồi vào làm tại phân xưởng Đống - Bến của Xí nghiệp Than Hòn Gai (nay là Công ty Tuyển than Hòn Gai).

Ngày 20/8/1960, tự vệ bến Hòn Gai ra đời cùng với ngày thành lập Xí nghiệp Bến Hòn Gai, trận địa pháo phòng không 37 mm thuộc lực lượng tự vệ đã tham gia nhiều trận chiến đấu, bắn rơi nhiều máy bay địch, trong đó có trận đánh trả không quân Mỹ ngày 05/8/1964 là trận đầu đánh thắng giặc Mỹ xâm lược đánh phá miền Bắc đã đi vào lịch sử. Năm 1968, Đại đội pháo cao xạ 37 mm được thành lập thuộc Xí nghiệp Bến Hòn Gai, do Đặng Bá Hát làm Đại đội trưởng, gồm có 4 khẩu đội pháo, với biên chế 45 người.

Ngay khi nhận nhiệm vụ, Đại đội trưởng Đặng Bá Hát đã chỉ huy đơn vị tích cực huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu cao. Ông đã mang kinh nghiệm từ những tháng năm trong quân ngũ vận dụng vào xây dựng lực lượng tự vệ bán vũ trang.

Đặng Bá Hát

Đại đội trưởng Đặng Bá Hát và đồng đội trên trận địa (Ảnh: Công ty Tuyển than Hòn Gai)

Chiều 12/7/1972, không quân Mỹ đánh phá bến phà Bãi Cháy. Đại đội trưởng Đặng Bá Hát và toàn khẩu đội tập trung cao độ quan sát mục tiêu, bắn trả quyết liệt. Không quân Mỹ đã nghi binh, dùng 2 máy bay bay thấp, ném bom trúng trận địa. Đặng Bá Hát bị mảnh bom xuyên thủng bụng, một tay giữ chặt vết thương, tay kia ông vẫn phất cờ lệnh và miệng còn hô: Bắn! Nhưng vết thương quá nặng, Đặng Bá Hát đã anh dũng hy sinh bên mâm pháo.

Sau khi Đặng Bá Hát hy sinh, lá cờ lệnh trong trận đánh ngày 12/7/1972 được sưu tầm và hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Quân khu III. Đây là một kỷ vật vô cùng thiêng liêng và có sức lan tỏa sâu rộng đối với khách tham quan trong công tác tuyên truyền giáo dục lòng yêu nước, sự hy sinh quên mình vì sự nghiệp cách mạng của các thế hệ đi trước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Liệt sĩ Đặng Bá Hát được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. Tấm gương người chiến sĩ tự vệ anh hùng Đặng Bá Hát mãi khắc sâu trong lòng người dân vùng Mỏ, tên anh đã đi vào các tác phẩm thơ ca và được đặt cho một con đường của thành phố Hạ Long.

Tại Hà Nội, cả ngành Công nghiệp nhẹ - ngành hàng sản xuất hàng tiêu dùng cũng nằm trong số mục tiêu phá hoại của không quân Mỹ. Những đôi tay quen cầm thoi, dệt vải... của chị em công nhân Nhà máy Dệt 8-3 đã buộc phải cầm súng. Hệ thống phòng không được triển khai nhanh chóng. Từ các cửa phân xưởng, hệ thống hào giao thông được xây bằng gạch chắc chắn, đường hào chữ chi chạy xung quanh nhà máy; khi có báo động, công nhân xách súng chạy theo hào giao thông đến trận địa. Năm 1966, nhà máy tổ chức được một tiểu đoàn tự vệ gồm 5 đại đội, 134 trung đội, 2 tiểu đội trực thuộc; bộ phận hành chính tổ chức các đội công binh, hóa học, cứu sập, cứu thương, thông tin liên lạc... Phối hợp với trận địa cao xạ của Bộ Tư lệnh Quân khu Thủ đô, tự vệ nhà máy bố trí lưới lửa theo hai tuyến: tuyến trên cao gồm 8 tổ súng trường, 2 đại liên, 1 trung liên, đặt trên nóc phân xưởng đay, sợi, dệt. Tuyến mặt đất gồm 7 tổ, bố trí trận địa ở phân xưởng Nhuộm, Thoi suốt, Cơ khí. Đội hình chiến đấu hiệp đồng chặt chẽ với trận địa của Nhà máy Cơ khí Mai Động, Nhà máy Kẹo Hải Châu, Nhà máy Xay Lương Yên, tạo thành lưới lửa phía đông nam thành phố.

Tại Nhà máy Liên hiệp Dệt Nam Định, có ngày, Mỹ ném bom 2 - 3 trận. Vì vậy, thời gian này, nhiều người gọi Nhà máy là “Cồn Cỏ của Thành Nam”. Từ tháng 7/1965 đến tháng 12/1972, máy bay Mỹ đã gây ra hậu quả rất nặng nề: phá hủy 22% thiết bị máy móc và 70% nhà xưởng, 151 cán bộ, công nhân viên chức hy sinh, 197 người bị thương.

Để bảo vệ sản xuất, Nhà máy thành lập 1 tiểu đoàn tự vệ (gồm 3 đại đội) và 1 trung đội trực chiến lưu động gồm 283 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có 131 là nữ dưới sự chỉ đạo của Tỉnh đội. “Đội bom mà sản xuất” là hình ảnh công nhân Nhà máy Dệt Nam Định thời kỳ này. Vừa hăng hái sản xuất, lực lượng tự vệ nhà máy còn tham gia chiến đấu tất cả các trận cùng quân và dân thành phố, đánh trả quyết liệt máy bay Mỹ. Có trận tự vệ nhà máy đã bổ sung, tăng cường 18 pháo thủ cho một đơn vị pháo cao xạ của bộ đội trên địa bàn thị xã Phủ Lý. Không chỉ nam công nhân tham gia chiến đấu, mà các chị em công nhân cũng rất anh dũng trên mọi mặt trận, nhiều chị đã hy sinh khi tuổi đời còn trẻ, như chị Vũ Thị Minh Nguyệt, đảng viên Đảng bộ Nhà máy Dệt Nam Định. Chị Nguyệt đã cùng đồng đội đánh trả máy bay Mỹ 21 trận. Trận thứ 22 chiến đấu bảo vệ cầu Phủ Lý, diễn ra vào chiều 07/7/1967, chị bị thương nhưng không cho đồng đội biết, vẫn tiếp tục chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng.

công nhân dệt

Công nhân Nhà máy Liên hiệp Dệt Nam Định vừa sản xuất, vừa đeo súng sẵn sàng chiến đấu (Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam)

Trong những trận quyết chiến bảo vệ sản xuất, bảo vệ nguồn lực của hậu phương miền Bắc để chi viện cho miền Nam, cán bộ, người lao động ngành Công Thương đã ghi nhiều chiến công vào trang vàng lịch sử của dân tộc. Khu Gang thép Thái Nguyên đã bắn hạ 59 máy bay của không quân Mỹ, 5 phi công Mỹ bị tự vệ bắt sống tại chỗ; ngày 10/12/1967, chị Lưu Thị Xuân cùng tự vệ Nhà máy Dệt 8-3 bắn rơi một máy bay phản lực Mỹ; ngày 13/8/1968, chỉ với 14 viên đạn 12 ly 7, tự vệ Nhà máy Dệt 8-3 lại bắn rơi một máy bay không người lái; tháng 7/1968, đội tự vệ của May 10 hiệp đồng với đơn vị bạn bắn rơi 1 máy bay phản lực Mỹ ở xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, Thành phố Hà Nội; ngày 07/02/1972, lực lượng tự vệ của Đèo Nai đã anh dũng chiến đấu và bắn rơi được 1 máy bay Mỹ, góp phần vào thành tích bắn rơi chiếc máy bay thứ 200 của vùng Mỏ trên bầu trời miền Bắc; ngày 10/5/1972, tự vệ Nhà máy Điện Yên Phụ bắn rơi 1 máy bay F4 của Mỹ; ngày 27/6/1972 tự vệ Nhà máy Phân lân Văn Điển bắn rơi 1 máy bay F4 của Mỹ; đêm 19/12/1972, tự vệ Kho xăng dầu Thượng Lý bắn rơi chiếc máy bay AD6 của Mỹ; đêm ngày 22/12/1972, tự vệ Nhà máy Cơ khí Mai Động phối hợp với tự vệ Nhà máy Dệt kim Đông Xuân Hà Nội bắn rơi 1 chiếc F-111A “cánh cụp cánh xòe”... Những chiến công đó không những bảo đảm cho dòng điện, nguồn xăng dầu, vật tư, nguyên liệu, hàng tiêu dùng lưu thông mạnh mẽ trên thị trường, mà còn góp phần cùng quân và dân miền Bắc đập tan các cuộc tập kích đường không chiến lược của không quân Hoa Kỳ.

Mặc dù đã sơ tán những phân xưởng, thậm chí cả nhà máy công nghiệp quan trọng ra khỏi đô thị và bảo vệ khá hữu hiệu cơ sở sản xuất, nhưng sản xuất công nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, do lực lượng lao động trẻ khỏe được huy động vào chiến trường. Mặt khác, tình trạng thiếu nguyên, nhiên, vật liệu trầm trọng, các thiết bị máy móc bị đánh phá hư hỏng chưa kịp sửa chữa hoặc sửa chữa vội vã không đảm bảo an toàn, sự cố thường xảy ra. Do đó, sản xuất công nghiệp bị giảm sút trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, đặc biệt những ngành là trọng điểm đánh phá của không quân Mỹ

Tự vệ Bánh kẹo

Tự vệ Nhà máy Bánh kẹo Hà Nội đẩy mạnh sản xuất, luyện chắc tay súng, sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống (Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam)

Thời kỳ 1965 - 1970, sản lượng điện giảm từ 633,6 triệu kWh xuống còn 501 triệu kWh, than giảm từ 4,2 triệu tấn xuống còn 2,7 triệu tấn, máy cắt gọt kim loại giảm từ 1.866 cái xuống còn 1.857 cái, ximăng giảm từ 573 nghìn tấn xuống còn 524 nghìn tấn, vải giảm từ 100,3 triệu mét xuống còn 89,4 triệu mét... Tính theo tỷ lệ, những sản phẩm giảm nhiều trong khoảng 30 - 50%. Những sản phẩm có mức sản xuất tăng lên chủ yếu thuộc công nghiệp địa phương do chủ trương đẩy mạnh phát triển công nghiệp địa phương, do công nghiệp địa phương chú trọng khai thác nguyên vật liệu tại chỗ, nên ít bị ảnh hưởng bởi chiến tranh.

Đến năm 1971 (năm cuối cùng của thời kỳ ba năm khôi phục kinh tế), tình hình thực hiện kế hoạch đã có tiến bộ hơn, giá trị sản lượng toàn ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đã tăng 14% so với kế hoạch đề ra, cụ thể công nghiệp trung ương tăng 17,5% và công nghiệp địa phương tăng 11,2%, nhìn chung đã vượt so với mức trước chiến tranh 2,7%. Các sản phẩm quan trọng như điện, than, supe lân, vải, giấy... đều vượt kế hoạch.

Nữ tự vệ

Nữ tự vệ Phạm Thị Viễn, Khẩu đội 1, Trung đội dân quân tự vệ Nhà máy Cơ khí Mai Động đã bắn rơi một chiếc F-111A “cánh cụp cánh xòe” (Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam)

Công cuộc khôi phục đang tiến hành được 3 năm thì vào giữa năm 1972, đế quốc Mỹ lại bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai. Tuy chiến tranh phá hoại lần này chỉ kéo dài chưa đầy 1 năm, nhưng mức độ hủy diệt của nó bằng cả 4 năm của lần trước cộng lại.

Ngay khi chiến tranh leo thang vừa chấm dứt, ngày 23/01/1973, ký tắt Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, thì ngày 24/01/1973, Ban Bí thư đã ra Chỉ thị số 200-CT/TW, yêu cầu mỗi cấp chính quyền và ngành kinh tế phải nắm chắc, giải quyết nhanh và có hiệu quả các vấn đề về ổn định sản xuất2.

Tiếp đến, ngày 25/6/1973, Bộ Chính trị có Thông báo số 04-TB/TW về nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế 1973 - 1975, nhấn mạnh: 1973, 1974, 1975 là ba năm khôi phục và phát triển kinh tế, nằm trong quá trình thực hiện bước đi ban đầu của thời kỳ công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc3.

Nghị quyết số 229-NQ/TW ngày 22/01/1974 Hội nghị lần thứ 22 Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nhiệm vụ, phương hướng khôi phục và phát triển kinh tế miền Bắc trong hai năm 1974 - 1975 đã đề ra nhiệm vụ cấp bách là khẩn trương hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục mức sản xuất công nghiệp ngang trước chiến tranh hoặc chí ít bằng năm 1971, tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc4.

Công cuộc khôi phục và phát triển công nghiệp lần này tập trung vào một số ngành cơ bản như các ngành sản xuất vật liệu xây dựng và năng lượng; phát triển các ngành cơ khí chế tạo xà lan, tàu kéo, sửa chữa ôtô, xe máy phục vụ cho khôi phục giao thông vận tải; sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu; ngoài ra, đẩy mạnh các ngành khai thác cá, muối, nước mắm...

Vốn đầu tư xây dựng cơ bản công nghiệp trong ba năm 1973 - 1975 là 3 tỉ đồng, gấp hơn 1,2 lần so với tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản của 6 năm trước (1965 - 1971); trong đó, vốn cho khởi công các công trình mới là 465 triệu đồng và chiếm 15% vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Riêng năm 1973, vốn đầu tư 823 triệu đồng, vốn xây lắp tăng lên 378 triệu đồng, được ưu tiên cho các ngành: Điện: 53 triệu đồng (14%), Thực phẩm: 46 triệu đồng (11%), Cơ khí: 42 triệu đồng (10%), Luyện kim: 23 triệu đồng (7%)... Vốn đầu tư trên hạn ngạch là 200 triệu đồng dành cho khôi phục và tiếp tục các công trình dở dang trong chiến tranh; vốn cho khởi công các công trình mới là 35 triệu đồng5.

Những ngành đã thực hiện khôi phục và cải tạo tốt là điện, than, vật liệu xây dựng, cơ khí sửa chữa và đóng mới phương tiện vận tải, sản xuất phụ tùng, phụ kiện cho khôi phục và phát triển kinh tế. Những công trình quan trọng được khôi phục, cải tạo và mở rộng là mỏ than Vàng Danh: 1,8 triệu tấn/năm, mỏ than Mông Dương: 0,9 triệu tấn/năm, cải tạo Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí đợt II và III: công suất 50 MW, Nhiệt điện Thái Nguyên: 24 MW, Cơ khí Hà Nội: 2.410 tấn sản phẩm, Supe Phốtphát Lâm Thao đợt II: 30 vạn tấn/năm, Ximăng Hải Phòng: 80 vạn tấn/năm...

Các công trình dở dang trong chiến tranh được tiếp tục đầu tư và các công trình mới được xây dựng đã đi vào sản xuất là các nhà máy: Dệt Minh Phương (Vĩnh Phú): 50 triệu mét vải/năm, In nhãn hiệu Vĩnh Phú: 1.000 tấn/năm, Nhiệt điện Ninh Bình: công suất 100 MW, Thủy điện Thác Bà: công suất 108 MW, Luyện thép Thái Nguyên: 12 vạn tấn, Cán thép Gia Sàng: 5 vạn tấn, Phân đạm Hà Bắc: 6 vạn tấn, Cơ khí Trung tâm Cẩm Phả: 17.000 tấn sản phẩm, Đóng tàu Bạch Đằng: 3 nghìn tấn, Khóa Minh Khai: 1.000 tấn sản phẩm, Động cơ Điện Hunggari: 1.600 tấn sản phẩm, Cơ khí Nông nghiệp: 5.000 tấn sản phẩm (máy kéo nhỏ), Gạch Bỉm Sơn và Gạch Xuân Hòa: 15 triệu viên/năm...

Tổng đầu tư cho công nghiệp giai đoạn 1973 - 1975 tăng 9,7 lần so với giai đoạn khôi phục kinh tế 1955 - 19576.

Nhờ đẩy nhanh tốc độ khôi phục, cải tạo và xây dựng mới, cơ sở vật chất - kỹ thuật và năng lực sản xuất của ngành Công nghiệp miền Bắc năm 1975 đã được khôi phục và tăng lên đáng kể, không những chỉ thay đổi về lượng mà còn có thay đổi về chất. Tính chung, trong cả thời kỳ 10 năm (1965 - 1975), vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho công nghiệp là 4.325 triệu đồng, chiếm 35 - 37% vốn đầu tư kiến thiết của cả nền kinh tế và gấp 2 lần tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản công nghiệp của thời kỳ 10 năm trước gộp lại (1955 - 1965). Nhờ thế, tài sản cố định trong công nghiệp tăng 107%.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng nghề nghiệp vẫn được duy trì. Trong giai đoạn này đã xây dựng 11 trường công nhân kỹ thuật, trong đó 3 trường được khởi công ngay sau khi chiến tranh chấm dứt, đó là các trường: Cơ khí Việt Đức, Kỹ thuật Khoan Sông Đà, Cơ khí Thủy lợi. Năm 1974, tuyển và đào tạo 11 vạn công nhân kỹ thuật, trong đó gửi đi học nước ngoài 8,5 nghìn người, học ở các trường dạy nghề trung ương 7,5 vạn người và các trường dạy nghề địa phương 2,65 vạn người; đào tạo đại học 1,8 vạn người và trung học chuyên nghiệp 29 vạn người7. Như vậy, tổng số đào tạo từ bậc đại học trở xuống tới công nhân kỹ thuật và học nghề trong năm 1974 là khoảng 42 vạn người - đây quả là một con số không nhỏ.

công nhân Supe

Các cán bộ, công nhân viên Nhà máy Supe Phốtphát Lâm Thao điều chế phân bón qua hệ thống cánh khuấy chạy điện8 (Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam)

Công tác nghiên cứu khoa học vẫn được chú ý trong những năm chiến tranh, đặc biệt trong thời kỳ khôi phục. Hướng tập trung nghiên cứu là sử dụng các nguyên, vật liệu thay thế, chế tạo các sản phẩm mới, cải tiến các sản phẩm đã có, tăng cường công tác quản lý chất lượng và tiêu chuẩn hóa, công bố cấp giấy chứng nhận chỉ tiêu chất lượng, cải tiến kỹ thuật và hợp lý hóa sản xuất, áp dụng các tiến bộ công nghệ mới để tăng hiệu quả và chất lượng sản phẩm.

lốp xe đạp

Những chiếc lốp xe đạp vừa được tháo ra từ khuôn hấp của dây chuyền sản xuất mới của Nhà máy Cao su Sao Vàng Hà Nội, tháng 10/1974 (Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam)

Những chủ trương và nỗ lực kể trên đã đem lại kết quả khá tốt: Năm 1975, ngành Công nghiệp làm ra giá trị sản lượng 4.100 triệu đồng (tính theo giá cũ), tăng 77% so với năm 1965 là năm bước vào chiến tranh phá hoại và gấp 2,8 lần năm 1960. Về tốc độ phát triển giá trị sản lượng công nghiệp, trong giai đoạn 1965 - 1968 có giảm sút, giai đoạn 1971 - 1975 đã có sự tăng trưởng khá hơn, đạt tốc độ tăng bình quân 10,3%/năm. Tỷ trọng công nghiệp trong tổng giá trị sản lượng công - nông nghiệp được duy trì ở mức trên 50%, cụ thể là: năm 1965 chiếm 53,3%, năm 1969 chiếm 53,9% và năm 1975 chiếm 55%. Mặc dù trong hoàn cảnh chiến tranh, song công nghiệp địa phương và công nghiệp nhẹ đã nhanh chóng vươn lên trong các năm 1966 - 1970; bình quân hằng năm, công nghiệp nặng chỉ tăng 0,5% thì công nghiệp nhẹ lại tăng 1,5%, công nghiệp trung ương giảm 1,8% thì công nghiệp địa phương lại tăng 3,6%.

Những chủ trương và nỗ lực kể trên đã đem lại kết quả khá tốt: Năm 1975, ngành Công nghiệp làm ra giá trị sản lượng 4.100 triệu đồng (tính theo giá cũ), tăng 77% so với năm 1965 là năm bước vào chiến tranh phá hoại và gấp 2,8 lần năm 1960. Về tốc độ phát triển giá trị sản lượng công nghiệp, trong giai đoạn 1965 - 1968 có giảm sút, giai đoạn 1971 - 1975 đã có sự tăng trưởng khá hơn, đạt tốc độ tăng bình quân 10,3%/năm. Tỷ trọng công nghiệp trong tổng giá trị sản lượng công - nông nghiệp được duy trì ở mức trên 50%, cụ thể là: năm 1965 chiếm 53,3%, năm 1969 chiếm 53,9% và năm 1975 chiếm 55%. Mặc dù trong hoàn cảnh chiến tranh, song công nghiệp địa phương và công nghiệp nhẹ đã nhanh chóng vươn lên trong các năm 1966 - 1970; bình quân hằng năm, công nghiệp nặng chỉ tăng 0,5% thì công nghiệp nhẹ lại tăng 1,5%, công nghiệp trung ương giảm 1,8% thì công nghiệp địa phương lại tăng 3,6%.

Sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu năm 1975 đã đạt và vượt so với năm 1965: điện phát ra đạt 1.333,9 triệu kWh (tương đương 210%), than sạch: 5,2 triệu tấn (tương đương 123%), máy phát điện diesel: 2.075 cái (tương đương 242%), động cơ điện: 10.069 cái (tương đương 176,2%), tàu kéo và ca nô: 115 cái (tương đương 130,6%), cày bừa cải tiến: 302,5 nghìn cái (tương đương 141%), phân bón hóa học: 423 nghìn tấn (tương đương 293,7%), thuốc trừ sâu: 4.683 tấn (tương đương 127,4%), vải mặc: 105,2 triệu mét (tương đương 105%), quần áo dệt kim: 19,1 triệu cái (tương đương 241%), nước chấm: 20 triệu lít (tương đương 471,6%)9...

Cùng với thắng lợi của khôi phục và phát triển công nghiệp, vào năm 1975, lần đầu tiên nền kinh tế miền Bắc đã đạt được chỉ tiêu “Ba số 5”, đó là: 5 triệu tấn than, 5 triệu tấn thóc và 5 triệu con lợn. Điều này thật có ý nghĩa với một nước nghèo vừa ra khỏi chiến tranh ác liệt; đây là căn cứ để đánh giá miền Bắc căn bản hoàn thành công cuộc khôi phục lần thứ hai vào năm 1975.

Binh đoàn Than

Năm 1967, gần 2.000 thợ mỏ và một số đơn vị khác được tập hợp thành Binh đoàn Than gồm Tiểu đoàn 385, Tiểu đoàn 386 và Tiểu đoàn 9. Kể từ khi được thành lập đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, những người lính Binh đoàn Than đã tham gia hàng trăm trận đánh lớn nhỏ.

Rất nhiều đồng chí chiến đấu anh dũng, lập chiến công, được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ diệt xe cơ giới, Huân chương Giải phóng. Điển hình như: Chiến sĩ Nguyễn Xuân Hùng (công nhân Tuyển than Hòn Gai) cùng đồng đội bắn cháy 2 xe tăng, 1 xe cơ giới; chiến sĩ Nguyễn Đức Bình (thợ mỏ Đèo Nai) cùng đồng đội đánh Kho xăng Nhà Bè, thiêu hủy hàng vạn lít xăng dầu; Tiểu đội trưởng Phạm Ngọc Niếp (thợ mỏ Thống Nhất) dũng cảm mưu trí, cùng đồng đội bắn chìm 1 tàu chiến của Mỹ - ngụy...

Thống kê sau năm 1975, trong gần 2.000 thợ mỏ vào chiến trường năm ấy, có hơn 300 người lính Binh đoàn Than không bao giờ trở lại; gần 400 là thương binh hoặc bị phơi nhiễm chất độc da cam.

Nguồn: Website của Vinacomin và báo Quảng Ninh.

binh đoàn Than

Binh đoàn Than làm lễ xuất quân, năm 1967 (Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam)


1. Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Sử học, Nguyễn Văn Nhật (Chủ biên): Lịch sử Việt Nam, Tập 13 (Từ năm 1965 đến năm 1975), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2017, tr.42.

2, 3. Xem Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.34, tr.440, 71.

4. Xem Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.35, tr.9.

5. Xem Bộ Công Thương: Sơ lược lịch sử ngành Công Thương Việt Nam, Sđd, tr.146.

6. Xem Ban Chỉ đạo Biên soạn Lịch sử Chính phủ Việt Nam: Lịch sử Chính phủ Việt Nam, Sđd, t.2, tr.375.

7. Xem Bộ Công Thương: Sơ lược lịch sử ngành Công Thương, Sđd, tr.147.

8. Năm 1974, Nhà máy Supe Phốtphát Lâm Thao (Vĩnh Phú) đã sản xuất vượt mức 220 tấn phân bón phục vụ vụ Đông Xuân.

9. Xem Bộ Công Thương: Sơ lược lịch sử ngành Công Thương Việt Nam, Sđd, tr.148.

Danh mục

Tùy chỉnh