III- THƯƠNG MẠI

xuất khẩu gạo

Xuất khẩu gạo tại cảng Sài Gòn (Ảnh: Thông tấn Việt Nam)

bách hóa Tràng Tiền

Bách hóa tổng hợp Tràng Tiền, Nội đầu năm 1990 (Ảnh: Thông tấn Việt Nam)

hiệp định Việt - Trung

Lễ kết Hiệp định Thương mại Việt - Trung Hiệp định tạm thời về việc giải quyết công việc biên giới hai nước Việt Nam - Trung Quốc tại Thủ đô Bắc Kinh, ngày 07/11/1991 (Ảnh: Thông tấn Việt Nam)

III- THƯƠNG MẠI

xuất khẩu gạo

Xuất khẩu gạo tại cảng Sài Gòn (Ảnh: Thông tấn Việt Nam)

bách hóa Tràng Tiền

Bách hóa tổng hợp Tràng Tiền, Nội đầu năm 1990 (Ảnh: Thông tấn Việt Nam)

hiệp định Việt - Trung

Lễ kết Hiệp định Thương mại Việt - Trung Hiệp định tạm thời về việc giải quyết công việc biên giới hai nước Việt Nam - Trung Quốc tại Thủ đô Bắc Kinh, ngày 07/11/1991 (Ảnh: Thông tấn Việt Nam)

3. Sự phát triển một số ngành công nghiệp chủ yếu

a) Ngành Cơ khí

Đây là giai đoạn sắp xếp lại, đổi mới kỹ thuật, công nghệ và sản phẩm ngành Cơ khí nhằm phục vụ nông - lâm - ngư nghiệp, công nghiệp chế biến và vận tải; bảo đảm dịch vụ sửa chữa. Nhanh chóng khắc phục tình trạng phân tán của ngành Cơ khí bằng cách sắp xếp, tổ chức lại sản xuất trong cả nước trên cơ sở quy hoạch, phân công, hợp tác giữa các doanh nghiệp cơ khí để đáp ứng những nhu cầu cấp bách về sửa chữa và trang bị công cụ, một phần máy móc, thiết bị và phụ tùng thông thường cho các ngành, các địa phương, trước hết là sản xuất nông cụ, máy kéo và máy nông nghiệp theo sau máy kéo, máy bơm thủy lợi các loại, bơm thuốc trừ sâu; thiết bị chế biến nông sản cỡ vừa và nhỏ, v.v..

nông dân Vĩnh Phúc

Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc sử dụng máy tuốt lúa để nâng cao năng suất thu hoạch (Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam)

Cơ khí được giao nhiệm vụ là ngành chủ lực thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng gắn với sản xuất lớn, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường; trước hết là đẩy mạnh cơ giới hóa, thủy lợi hóa, phát triển công nghệ sau thu hoạch trong các khâu sản xuất và chế biến nông sản nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trên một hécta canh tác, tăng sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa trên thị trường.

Nhìn vào tốc độ tăng trưởng của một số sản phẩm cơ khí phục vụ canh tác và chế biến nông sản, ta sẽ thấy rõ hơn công năng phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn của ngành này. Động cơ diesel từ 5,3 nghìn chiếc năm 1985 tăng lên 8 nghìn chiếc năm 1995. Tương tự như vậy, máy tuốt lúa tăng từ 19,6 nghìn cái lên 36,3 nghìn cái; máy xay xát tăng từ 1,19 nghìn cái lên 2,04 nghìn cái; nông cụ cầm tay tăng từ 13,3 triệu cái lên 16,5 triệu cái... Với sự phát triển của cơ khí, sản lượng một số loại nông sản chế biến tăng nhanh trong giai đoạn 1985 - 1995. Cụ thể, gạo, ngô xay xát tăng từ 6,2 triệu tấn lên 15,6 triệu tấn; đường tinh luyện tăng từ 46,6 nghìn tấn lên 93 nghìn tấn; dầu thực vật tăng từ 19,1 nghìn tấn lên 38,6 nghìn tấn; chè tăng từ 20,5 nghìn tấn lên 24,2 nghìn tấn...

b) Ngành Điện

Chính phủ đã dành nhiều vốn đầu tư để xây dựng và hoàn thành nhiều công trình quan trọng:

- Nhà máy Thủy điện Hòa Bình hoàn thành năm 1994 có công suất lắp máy 1.920 MW, lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á đến năm 2012, khi Nhà máy Thủy điện Sơn La có công suất 2.400 MW được xây dựng.

- Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại hoàn thành đưa vào vận hành năm 1986, có công suất thiết kế 440 MW bao gồm 4 tổ tuốcbin - máy phát và 8 lò hơi theo khối 2 lò/máy, mỗi tổ máy có công suất 110 MW. Trong những năm đầu của thời kỳ đổi mới, sự đóng góp điện năng kịp thời hòa vào hệ thống lưới điện quốc gia của Nhà máy rất quan trọng, vì thời gian đó chúng ta thiếu điện trầm trọng cho sản xuất - kinh doanh và sinh hoạt. Nhiệt điện Phả Lại được coi như một “cứu tinh” đối với ngành Điện miền Bắc, cho đến khi Thủy điện Hòa Bình vận hành đầy đủ 8 tổ máy.

- Đường dây 500 kV Bắc - Nam có tổng chiều dài 1.487 km, gồm 3.437 cột điện tháp sắt đi qua 13 tỉnh thành phố gồm Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng (nay là tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng), Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Sông Bé (nay là các tỉnh Bình Phước, Bình Dương), Thành phố Hồ Chí Minh; trong đó qua vùng đồng bằng 297 km (chiếm 20%), trung du - cao nguyên 669 km (chiếm 45%), núi cao, rừng rậm 521 km (chiếm 35%) với 8 lần vượt sông (sông Đà, sông Mã, sông Lam, sông La, sông Gianh, sông Thạch Hãn, sông Hương, sông Sài Gòn) và 17 lần vượt quốc lộ. Công trình phát lệnh khởi công ngày 05/4/1992, nghiệm thu đóng điện tháng 5/1994. Thời điểm này, Việt Nam đã xây dựng xong Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia. Ngày 27/5/1994, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia đã phát lệnh hòa hệ thống điện miền Nam với 4 tổ máy của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình qua đường dây 500 kV. Về mặt kỹ thuật, đường dây 500 kV Bắc - Nam mạch 1 hợp nhất hệ thống điện 3 miền (trước đây vận hành độc lập với nhau), nhờ đó tăng cường được sự hỗ trợ qua lại thế mạnh của hệ thống điện giữa các miền, tăng tính ổn định và độ tin cậy chung của toàn hệ thống.

Phả Lại 1986 Tổ máy số 4 Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại chính thức phát điện từ cuối năm 1986 (Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam)

Ngoài nguồn điện từ miền Bắc vào qua đường dây 500 kV mạch 1, một công việc cấp bách là bảo đảm điện cho các tỉnh Khu V và Tây Nguyên thông qua đẩy nhanh xây dựng những cơ sở điện mới đã được xác định, đồng thời tăng thêm dầu và phụ tùng để sử dụng tốt hơn những cơ sở điện hiện có. Ở miền Nam, với sự hỗ trợ về tài chính và công nghệ của Liên Xô, Nhà máy Thủy điện Trị An đã phát điện tổ máy số 1 ngày 30/4/1988 và khánh thành năm 1991. Nhà máy có 4 tổ máy, với tổng công suất thiết kế 400 MW, sản lượng điện trung bình hằng năm 1,7 tỉ kWh.

Một hướng quan trọng khác là bằng khả năng của Trung ương và địa phương, Nhà nước và nhân dân, nhiều trạm thủy điện nhỏ được xây dựng ở các vùng, nhất là ở Tây Nguyên và miền núi phía Bắc để giải quyết nguồn điện tại chỗ, đáp ứng nguyện vọng thiết tha của đồng bào các dân tộc. Đi đôi với nguồn điện, đã xây dựng kịp thời và đồng bộ các hệ thống lưới điện, từ cao thế đến trung thế và hạ thế. Hoàn thành cải tạo lưới điện Hà Nội, Hải Phòng; tăng thêm nguồn điện và lưới điện cho đồng bằng sông Cửu Long; tiến hành chuẩn bị cải tạo lưới điện Thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố khác khi có điều kiện. Cải tiến việc phân phối và sử dụng điện, nhằm trước hết bảo đảm một cách ổn định nhu cầu của các trọng điểm về kinh tế và xã hội.

Chuyện làm đường dây 500 kV

GS.VS.TSKH. Trần Đình Long kể: Đầu năm 1992, Tổng Bí thư Đỗ Mười và Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Thế Duyệt đến thăm nhà, Tổng Bí thư nói: “Tôi vừa đi thăm Thành phố Hồ Chí Minh, tình hình cấp điện thật tồi tệ, mỗi tuần thành phố bị cắt điện 4 đến 5 ngày, trong khi Nhà máy Thủy điện Hòa Bình thừa điện phải xả nước, thật vô lý. Phải xây dựng công trình tải điện để đưa điện từ Hòa Bình vào miền Trung và miền Nam càng sớm càng tốt”.

Nhưng có nhiều người băn khoăn về tính khả thi và hiệu quả kinh tế, thời gian dự kiến hoàn thành công trình quá ngắn so với kinh nghiệm thực tế của thế giới, mức độ an toàn của công trình nhìn từ góc độ xã hội có thể gây lo lắng vì nhiều vùng tình hình an ninh phức tạp, có nơi đường dây đi quá gần với biên giới các nước láng giềng... Tất cả những khó khăn trên được báo cáo và phân tích chi tiết, đầy đủ với Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Thủ tướng nói: “Nhiệm vụ của các anh là phải chứng minh và chịu trách nhiệm về tính khả thi của công trình, những việc khác như tiền nong, nhân lực, các vấn đề về xã hội đã có Chính phủ lo”.

Để công trình hoàn thành với thời hạn kỷ lục 2 năm, các khâu lập luận chứng kinh tế - kỹ thuật, thiết kế kỹ thuật, chào thầu, chọn nhà thầu... đều làm song song, vừa làm vừa nghiên cứu, bổ sung. Mặc dù vậy, công trình được hoàn thành với chất lượng tốt.

Nguồn: Tạp chí Điện và Đời sống.

đường dây 500kV Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm đường dây tải điện 500 kV Bắc - Nam (Ảnh: Nguyễn Công Thành)

c) Ngành Than

Bước vào công cuộc đổi mới cho đến những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, ngành Than phải đối mặt với những khó khăn, thách thức gay gắt, như: nạn khai thác than trái phép phát triển tràn lan, làm tài nguyên môi trường vùng mỏ bị hủy hoại nghiêm trọng, trật tự và an toàn xã hội diễn biến phức tạp...; nhiều đơn vị sản xuất than phải thu hẹp sản xuất, giảm đào lò, giảm bóc đất, công nhân thiếu việc làm, thu nhập và đời sống khó khăn. Dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của ngành Than là khi Tổng Công ty Than Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 563/TTg ngày 10/10/1994 của Thủ tướng Chính phủ; ngành Than đã từng bước tháo gỡ khó khăn, xây dựng mục tiêu chiến lược đúng đắn cho sự phát triển, từ đó, đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Sản lượng khai thác lên xuống qua các năm: Năm 1985 khai thác 5,7 triệu tấn, tăng lên 6,9 triệu tấn năm 1988, giảm mạnh xuống 3,8 triệu tấn năm 1989, phục hồi dần từ năm 1990 với 4,6 triệu tấn, tăng dần lên 7,2 triệu tấn năm 1995.

d) Ngành Dầu khí

Trong 10 năm (1986 - 1995), ngành Dầu khí có nhiều thay đổi về mặt tổ chức và khai thác:

- Ngày 26/6/1986 đánh dấu bước đột phá hợp tác toàn diện với Liên Xô về dầu khí với tấn dầu thô đầu tiên được Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro khai thác từ mỏ Bạch Hổ.

- Luật đầu tư nước ngoài năm 1987 đã tạo điều kiện để các công ty dầu khí nước ngoài có thể đầu tư vào Việt Nam với các hợp đồng kinh tế đa dạng.

- Ngày 07/7/1988, Bộ Chính trị có Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng phát triển ngành Dầu khí đến năm 2000, đã khai thông con đường hợp tác đa phương với Liên Xô và các đối tác nước ngoài khác. Từ đó, các công ty dầu khí quốc tế bắt đầu hoạt động thông qua Hợp đồng chia sản phẩm dầu khí (PSC). Một trong những thành tựu của ngành là phát hiện và khai thác có hiệu quả thân dầu trong đá móng granitoid nứt nẻ. Thành tựu này đã làm thay đổi quan điểm về tìm kiếm thăm dò dầu khí trong đá móng ở Việt Nam, trong khu vực và trên thế giới.

- Ngày 06/7/1990, Hội đồng Bộ trưởng có Quyết định số 250/HĐBT thành lập Tổng Công ty Dầu mỏ và Khí đốt, trên cơ sở hợp nhất các tổ chức làm công tác dầu khí thuộc Tổng cục Dầu khí cũ, là tổ chức sản xuất - kinh doanh có tư cách pháp nhân, hạch toán kinh tế, được sử dụng con dấu riêng, được mở tài khoản tại ngân hàng, có trách nhiệm nghiên cứu, tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến, xuất, nhập khẩu, tổ chức tiêu thụ trên thị trường nội địa các sản phẩm dầu mỏ và khí đốt. Thời kỳ này, Tổng Công ty Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam chịu sự quản lý nhà nước trực tiếp của Bộ Công nghiệp nặng.

dòng khí 1995 Lễ đón dòng khí đầu tiên vào bờ, ngày 17/4/1995 (Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam)

- Ngày 14/4/1992, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 125/HĐBT về việc đặt Tổng Công ty Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng.

- Ngày 06/7/1993, Quốc hội ban hành Luật dầu khí, nhằm bảo vệ, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên dầu khí, phát triển kinh tế quốc dân, mở rộng hợp tác với nước ngoài. Luật quy định về hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí trong phạm vi lãnh thổ, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

- Ngày 17/4/1995, khí đồng hành thu gom từ mỏ Bạch Hổ đã được vận chuyển vào bờ, đưa đến trạm phân phối khí Bà Rịa và cung cấp khí cho Nhà máy Điện Bà Rịa. Đây là công trình đầu tiên ở Việt Nam được thực hiện theo thông lệ quốc tế và kinh nghiệm thực tế từ dự án này đã góp phần to lớn vào việc hình thành phương thức quản lý các dự án tiếp theo của Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam nói riêng, cũng như việc xây dựng các quy chế, quy định và luật về xây dựng và đấu thầu của Việt Nam nói chung.

- Ngày 29/5/1995, Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam được thành lập, trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại Tổng Công ty Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam, là tổng công ty nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập; có nhiệm vụ nghiên cứu, tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến, tàng trữ, vận chuyển, làm dịch vụ về dầu khí; xuất, nhập khẩu vật tư, thiết bị dầu khí, dầu thô, các sản phẩm dầu khí; lưu thông các sản phẩm dầu khí... Tổng Công ty được tiến hành các hoạt động dầu khí trên toàn bộ lãnh thổ, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và hải đảo thuộc chủ quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và được tiến hành các hoạt động dầu khí ở nước ngoài khi Chính phủ cho phép.

Sản lượng khai thác tăng trưởng liên tục, từ 0,04 triệu tấn năm 1986 lên 2,7 triệu tấn năm 1990 và 7,67 triệu tấn năm 1995.

đ) Ngành Luyện kim

Về kim loại màu, đã khai thác tốt các mỏ thiếc hiện có, hoàn thành xây dựng đợt I Liên hiệp Thiếc Quỳ Hợp, mở rộng diện khai thác thiếc sa khoáng quy mô nhỏ bằng kỹ thuật thủ công và nửa cơ giới. Theo kế hoạch hợp tác với các nước xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh thăm dò địa chất các mỏ bôxít miền Nam, hoàn thành luận chứng kinh tế - kỹ thuật và chuẩn bị khai thác vào kế hoạch sau. Xây dựng và đưa vào vận hành xí nghiệp khai thác và tuyển luyện chì, kẽm; nghiên cứu khai thác quặng đồng và tổ chức tuyển luyện với quy mô nhỏ. Năm 1986: Khởi công công trình sắt xốp công suất 22.000 tấn/năm; năm 1989, lần đầu tiên xuất khẩu thép sang thị trường các nước Đông Nam Á.

mỏ thiếc Quỳ Hợp Chuyên gia Liên Xô làm việc tại mỏ thiếc Quỳ Hợp (Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam)

e) Ngành Hóa chất

Giai đoạn 1986 - 1990, việc Nhà nước điều chỉnh mục tiêu theo hướng đẩy mạnh đầu tư cho 3 chương trình về lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, đã mang lại cơ hội cho công nghiệp hóa chất với các sản phẩm phân bón, thuốc trừ sâu... phát triển mở rộng thị trường. Tuy nhiên, do điểm xuất phát tương đối thấp, tốc độ tăng trưởng của ngành đạt mức độ vừa phải, khoảng 6% mỗi năm.

Thời kỳ kế hoạch 5 năm 1991 - 1995, Bộ Công nghiệp nặng được thành lập lại trên cơ sở cơ chế quản lý mới. Nhà nước đã thành lập hai tổng công ty (Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất, Tổng Công ty Hóa chất công nghiệp và Tiêu dùng), quản lý các doanh nghiệp thuộc Tổng cục Hóa chất. Ngành Công nghiệp hóa chất đạt tốc độ tăng trưởng cao, bình quân đạt mức gần 20%/năm. Công nghiệp địa phương chiếm tỷ trọng xấp xỉ 57% tổng giá trị sản lượng toàn ngành; trong đó các doanh nghiệp quốc doanh địa phương khoảng 31%. Khu vực ngoài quốc doanh đã phát triển nhanh, chiếm tỷ trọng tới trên 1/4 giá trị tổng sản lượng năm 1995 của toàn ngành.

Mặc dù khu vực ngoài quốc doanh phát triển mạnh, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhưng các doanh nghiệp quốc doanh vẫn giữ vai trò chủ đạo, chiếm tỷ trọng 74,4%, trong đó 2 tổng công ty hóa chất chiếm 43%.

f) Ngành Dệt may, Da giày

Cho đến nửa cuối những năm 1980, ngành Dệt may Việt Nam chỉ quan hệ chủ yếu với các nước xã hội chủ nghĩa nên phần lớn sản phẩm dệt may được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang các nước Đông Âu. Với Liên Xô, theo Hiệp định Việt Nam ký với Liên Xô ngày 19/5/1980, mỗi năm Liên Xô cung cấp cho Việt Nam 6 vạn tấn bông, một nửa giá trị số bông đó Việt Nam trả bằng sản phẩm may mặc, chủ yếu là quần áo bảo hộ lao động; một nửa số bông còn lại chính là tiền công, được dùng may mặc phục vụ nhu cầu nội địa, trong đó có cả lực lượng vũ trang. Mặc dù gặp nhiều khó khăn như sản xuất quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, hệ thống quản lý yếu kém, thiếu vốn,... nhưng việc ban hành Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987 đã giúp mở cửa thị trường, kích cầu kinh tế, giúp cho ngành Dệt may được tiếp cận với những công nghệ mới, phát triển vượt bậc và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Tuy nhiên, phải đến khi Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 114/HĐBT ngày 07/4/1992 về quản lý nhà nước đối với xuất, nhập khẩu, theo đó cho phép doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được quyền xuất, nhập khẩu; mọi hàng hóa (trừ danh mục hàng hóa do nhà nước quản lý) được xuất, nhập khẩu; cùng với việc Việt Nam và EU ký kết Hiệp định Buôn bán hàng dệt may, thì ngành này có tăng trưởng mạnh mẽ, kim ngạch xuất khẩu hằng năm tăng trên 20%.

Đối với ngành Da giày, Việt Nam chủ yếu thực hiện chương trình gia công mũ giầy cho Liên Xô cũ. Khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô sụp đổ, ngành Da giày đối mặt với cuộc khủng hoảng do không có thị trường, nguồn nguyên liệu. Từ năm 1993, ngành Da giày đã khởi sắc trở lại nhờ làn sóng di chuyển sản xuất từ các nước công nghiệp phát triển và các nước công nghiệp mới sang các nước đang phát triển. Ngành Da giày Việt Nam bắt đầu tiếp nhận sự chuyển giao công nghệ từ các nước thông qua đầu tư FDI, cùng với đó là sự dịch chuyển các đơn đặt hàng từ Đài Loan, Hàn Quốc sang Việt Nam. Xuất khẩu sản phẩm da giày đạt được tốc độ tăng trưởng cao, giai đoạn 1993 - 1995 đạt hơn 20%/năm. Ngày 17/7/1995, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) ký kết Hiệp định khung về hợp tác (FCA), tạo điều kiện cho kim ngạch mặt hàng này sang EU tăng nhanh trong giai đoạn sau. Năm 1995 đạt trên 480 triệu USD, đến năm 1999 đã tăng hơn gấp đôi, đạt trên 1,3 tỉ USD.

Chiến lược tăng tốc dệt may

Năm 1991, khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, nhiều doanh nghiệp dệt may gặp khủng hoảng vì chưa thích ứng được với vấn đề tự tìm kiếm khách hàng.

Nhưng năm 1992, Việt Nam và EU ký kết Hiệp định Buôn bán hàng dệt may; đồng thời Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 114/HĐBT cho phép doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được quyền xuất, nhập khẩu; cho phép mọi hàng hóa (trừ danh mục hàng hóa do Nhà nước quản lý) được xuất, nhập khẩu. Nghị định số 114/HĐBT và Hiệp định Buôn bán hàng dệt may đã “chắp cánh” sản xuất và xuất khẩu. Năm 1995, với việc thành lập Tổng Công ty Dệt may Việt Nam, đã mở đường cho sự ra đời của Chiến lược phát triển toàn ngành; tăng tốc đầu tư trang thiết bị hiện đại, tạo bước nhảy vọt về chất lượng, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.

Kết quả, chỉ trong 8 năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may tăng gấp 12 lần, từ 158 triệu USD năm 1992 lên 1,9 tỉ USD năm 2000.

1. Hoạt động nội thương

Giai đoạn này, công tác quản lý nhà nước về thương mại có sự đổi mới từ Trung ương đến địa phương cả về tư duy, nội dung và phương pháp quản lý, môi trường pháp lý cho lưu thông hàng hóa, hoạt động của thương nhân. Ngày 05/7/1987, Hội đồng Bộ trưởng có Nghị quyết số 113/HĐBT chuyển hoạt động nội thương sang hạch toán, kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết đánh dấu bước khởi đầu xác lập cơ chế xóa bỏ chế độ bao cấp - một phương thức kinh doanh chủ yếu của thương nghiệp quốc doanh: “Mọi quan hệ trao đổi giữa các tổ chức kinh tế của Nhà nước với hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông nghiệp và các hộ nông dân phải theo nguyên tắc bình đẳng, thuận mua vừa bán, bảo đảm củng cố liên minh công nông. Xóa bỏ chế độ trao đổi hiện vật trong việc mua nông sản và bán vật tư với nông dân”; “Xóa bỏ tình trạng cắt khúc lưu thông hàng hóa theo cấp hành chính; không nhất thiết mỗi cấp quản lý hành chính đều phải có tổ chức kinh doanh thương nghiệp của riêng mình”; “Xây dựng và thực hiện các định mức kinh tế kỹ thuật thương nghiệp hợp lý, nâng cao chất lượng kinh doanh, quay nhanh vòng hàng và tiền, giảm mạnh phí lưu thông bất hợp lý, kinh doanh có lãi; hạn chế, đi tới chấm dứt việc Nhà nước bù lỗ cho thương nghiệp”.

Ngày 31/12/1987, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 231/HĐBT về việc chuyển ngành vật tư sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa và sắp xếp lại tổ chức kinh doanh vật tư, cho phép tổ chức kinh doanh vật tư “được quan hệ trực tiếp với các xí nghiệp”. Trong đó, hạch toán rành mạch việc mua bán vật tư trong và ngoài chỉ tiêu pháp lệnh, trong và ngoài danh mục Nhà nước định giá:

- Phần bán cho các xí nghiệp làm sản phẩm theo chỉ tiêu pháp lệnh hoặc đơn đặt hàng của Nhà nước thì bán theo số lượng Nhà nước đã ghi rõ tương ứng khối lượng sản phẩm được giao kế hoạch pháp lệnh hoặc đơn đặt hàng Nhà nước.

- Phần bán theo sự thỏa thuận với các xí nghiệp để làm các sản phẩm và dịch vụ khác thì đưa vào kế hoạch kinh doanh chung báo cáo cấp trên biết, và phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về các điều khoản mua bán ký kết với các bạn hàng.

- Đối với những loại vật tư thuộc danh mục Nhà nước định giá thì phải bán theo đúng giá quy định của Nhà nước.

- Đối với những loại vật tư ngoài danh mục Nhà nước định giá các tổ chức kinh doanh vật tư được bán theo giá thỏa thuận với người mua.

Đặc biệt, các tổ chức kinh doanh vật tư được trực tiếp quan hệ với các tổ chức và tư nhân trong và ngoài nước trong phạm vi nhiệm vụ được Nhà nước giao để liên doanh, liên kết chủ động tạo thêm nguồn vật tư, vay và sử dụng ngoại tệ, ký hợp đồng mua, bán vật tư, đại lý mua, bán vật tư;... quyết định việc tham gia các hình thức liên kết với các đơn vị kinh tế khác trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi; kể cả việc gia nhập các liên hiệp sản xuất kinh doanh khác.

Ngày 23/12/1988, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 193/HĐBT về kinh doanh thương mại và dịch vụ ở thị trường trong nước. Trong đó, Nhà nước bảo hộ các hoạt động kinh doanh hợp pháp của các tổ chức, cá nhân; các tổ chức kinh tế và các công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên đều được đăng ký và được cấp giấy phép kinh doanh; mọi hàng hóa đều được tự do lưu thông, trừ những mặt hàng cấm và những mặt hàng đòi hỏi phải tuân thủ những điều kiện nhất định mới được phép kinh doanh.

bách hóa Tràng Tiền

Bách hóa tổng hợp Tràng Tiền, Hà Nội đầu năm 1990 (Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam)

bảng 49

bảng 50

bảng 51

Những chính sách trên đã chuyển hoạt động của thương nghiệp quốc doanh từ phục vụ theo phương thức cung ứng sang phục vụ theo phương thức kinh doanh; đồng thời khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh, từ đó từng bước hình thành các kênh lưu thông mới, xây dựng nhiều hạ tầng bán buôn, bán lẻ mới.

Với sự tham gia đông đảo của các loại hình thương nhân thuộc các thành phần kinh tế, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, gắn sản xuất với tiêu thụ, gắn thị trường trong nước với thị trường quốc tế, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu và bảo đảm các nhu cầu trong nước. Mạng lưới kinh doanh thương mại, dịch vụ tiếp tục được mở rộng trên cả 3 địa bàn: thành thị, nông thôn và miền núi, với sự tham gia của các chủ thể kinh doanh. Tổ chức và phương thức kinh doanh, phương thức mua bán ngày càng đổi mới, phong phú và linh hoạt hơn.

Thương nghiệp quốc doanh đã từng bước vươn lên, thích ứng với cơ chế mới, hiệu quả kinh doanh được nâng cao, giữ được vai trò nòng cốt ở những mặt hàng trọng yếu ở những khâu và lĩnh vực then chốt, chi phối 70 - 75% khâu bán buôn, chiếm từ trên 30% đến gần 60% tổng mức lưu chuyển bán lẻ.

Sau khi bị tan rã hàng loạt, các hợp tác xã thương mại đã từng bước chuyển đổi, củng cố và phát triển, phát huy được vai trò ở nông thôn, miền núi, chiếm trên dưới 1% tổng mức bán lẻ trên thị trường theo những mô hình hợp tác xã kiểu mới, như: gắn dịch vụ nông nghiệp với thương mại, dịch vụ trong trường học, kinh doanh và quản lý chợ,...

Dưới hình thức công ty, cá nhân, hộ kinh doanh cá thể, thương mại tư nhân phát triển nhanh, nhất là từ khi Nhà nước ban hành Luật doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng khoảng 0,5% trong tổng mức bán lẻ trên thị trường nội địa. Các doanh nghiệp, doanh nhân ngoài khu vực Nhà nước tạo ra khá nhiều việc làm và tăng thu nhập cho một bộ phận dân cư, tiêu thụ nông sản, cung ứng vật tư, hàng tiêu dùng phục vụ sản xuất, đời sống nhân dân, góp phần quan trọng giữ vững các cân đối lớn của nền kinh tế, kiềm chế lạm phát từ mức 3 con số trong 3 năm đầu đổi mới xuống trên dưới 10% từ năm 1992.

Trong 3 năm 1986 - 1988, thương nghiệp quốc doanh chiếm tỷ trọng rất cao, từ xấp xỉ 30% đến gần 60% tổng mức bán lẻ toàn xã hội, bắt đầu từ năm 1989, sau khi Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị quyết số 113/HĐBT (ngày 05/7/1987), Quyết định số 231/HĐBT (ngày 31/12/1987) và Quyết định số 193/HĐBT (ngày 23/12/1988), thương nghiệp thuộc các thành phần kinh tế cùng “bung” ra, cơ cấu bán lẻ của thương nghiệp quốc doanh giảm dần, trong khi thương nghiệp tư nhân ngày càng có đóng góp nhiều hơn trên thị trường trong nước, từ khoảng 40% năm 1986 vươn lên 74,5% năm 1995. Tuy nhiên, những vật tư chiến lược quan trọng như xăng dầu, kim khí, thiết bị và phụ tùng, hóa chất vật liệu điện và dụng cụ cơ khí vẫn do thương nghiệp quốc doanh nắm bán buôn chi phối.

Bên cạnh chính sách chung, Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chính sách khuyến khích phát triển các hợp tác xã, chính sách phát triển thương nghiệp miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc... Hoạt động của các sở thương mại đã chuyển từ thực hiện chức năng chủ quản doanh nghiệp trực thuộc sang hướng dẫn và tổ chức thực hiện chính sách và luật pháp, cung cấp thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển kinh doanh trên thị trường, thiết lập trật tự, kỷ cương trên thị trường, kiềm chế hoạt động buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng và các hành vi gian lận thương mại khác, nâng cao hiệu quả kinh doanh thương mại và bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng.

Danh mục

Tùy chỉnh