II. Những chủ trương biện pháp khôi phục, phát triển sản xuất công nghiệp hoạt động thương mại (19/8/1945 - 19/12/1946)

Bác Hồ gặp công thương Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp thân mật 30 nhà công thương Nội, đại diện cho giới công thương Việt Nam, tại Phủ Chủ tịch, ngày 18/9/1945 (Ảnh: Thông tấn Việt Nam) nhà máy giấy Chính phủ gấp rút sửa chữa, khôi phục các nhà máy lớn, trong đó Nhà máy Giấy Đáp Cầu (Bắc Ninh) lập các ủy ban thuộc Nhà nước để trông coi tổ chức sản xuất (Ảnh: Thông tấn Việt Nam)

II. Những chủ trương biện pháp khôi phục, phát triển sản xuất công nghiệp hoạt động thương mại (19/8/1945 - 19/12/1946)

Bác Hồ gặp công thương Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp thân mật 30 nhà công thương Nội, đại diện cho giới công thương Việt Nam, tại Phủ Chủ tịch, ngày 18/9/1945 (Ảnh: Thông tấn Việt Nam) nhà máy giấy Chính phủ gấp rút sửa chữa, khôi phục các nhà máy lớn, trong đó Nhà máy Giấy Đáp Cầu (Bắc Ninh) lập các ủy ban thuộc Nhà nước để trông coi tổ chức sản xuất (Ảnh: Thông tấn Việt Nam)

3. Hệ thống tổ chức và quản lý ngành Công Thương

a) Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến trước ngày 19/12/1946

Đứng trước yêu cầu cấp bách cần phải sớm đưa bộ máy kinh tế còn đang hết sức rệu rã vào hoạt động trở lại, góp phần bảo vệ thành quả cách mạng vừa đạt được, ngày 28/8/1945, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thành lập Bộ Kinh tế Quốc gia (tiền thân của Bộ Công Thương ngày nay) để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về kinh tế và cử ông Nguyễn Mạnh Hà giữ chức Bộ trưởng.

Bộ máy quản lý của Bộ Kinh tế Quốc gia gồm 1 văn phòng, 7 phòng sự vụ, 4 nha và sở thống kê1. Cụ thể:

- Văn phòng Bộ: Giúp việc cho Bộ trưởng trong việc tổ chức các hoạt động chung của Bộ.

- Phòng Công văn và Viên chức (Phòng Nhất): Nhận và phát các công văn; trình ký, lưu trữ công văn; thực hiện công tác văn phòng, kế toán, nhân sự, ngân sách trong Bộ và các công tác tố tụng về Bộ.

- Phòng Cổ động và Pháp chế (Phòng Nhì): Cổ động, thông cáo, thu thập tài liệu, khảo cứu, liên lạc với các cơ quan, xây dựng các đạo luật về kinh tế.

- Phòng Kinh tế tập san (Phòng Ba): Xuất bản ấn phẩm Việt Nam Kinh tế Tập san.

- Phòng Nông mục Thuỷ lâm (Phòng Tư): Đảm nhiệm việc khảo cứu các vấn đề chung thuộc phạm vi Nha Nông mục Thủy lâm.

- Phòng Kỹ nghệ (Phòng Năm): Đảm nhiệm việc khảo cứu các vấn đề chung thuộc phạm vi Nha Kỹ nghệ.

- Phòng Thương vụ (Phòng Sáu): Đảm nhiệm việc khảo cứu các vấn đề chung thuộc phạm vi Nha Thương vụ.

- Phòng Kinh tế Tín dụng (Phòng Bảy): Đảm nhiệm việc khảo cứu các vấn đề chung thuộc phạm vi Nha Kinh tế Tín dụng.

- Nha Nông mục Thủy lâm: Đảm nhiệm các việc hành chính và chuyên môn về canh tác nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, ngư nghiệp, săn bắn; lập, thi hành và kiểm soát những chương trình dài hạn (3 năm, 5 năm...) và thường niên về các lĩnh vực thuộc Nha quản lý; nghiên cứu và thi hành các biện pháp làm tăng sức sản xuất và chất lượng; khai thác các nguồn lợi thuộc Nha quản lý.

- Nha Kỹ nghệ: Đảm nhiệm các việc hành chính và chuyên môn về các ngành kỹ nghệ (khoáng chất, chế biến, hóa chất...) và các lĩnh vực tiểu công nghiệp; lập, thi hành và kiểm soát những chương trình dài hạn và thường niên; nghiên cứu và thi hành các biện pháp làm tăng sức sản xuất và chất lượng; khai thác các nguồn lợi thuộc Nha quản lý.

- Nha Thương vụ: Đảm nhiệm các việc hành chính và chuyên môn về nội thương và ngoại thương; quản lý các quan hệ kinh tế với nước ngoài, xuất, nhập khẩu; nghiên cứu các chính sách ngoại thương, chế độ thuế quan; liên lạc với Sở Hối đoái và Bộ Tài chính.

- Nha Kinh tế Tín dụng: Đảm nhiệm các việc hành chính và chuyên môn về tín dụng phục vụ phát triển kinh tế trong nước; điều hành Quỹ Kinh tế Tín dụng và các cơ quan thuộc phạm vi tín dụng dành cho phát triển kinh tế (Kinh tế Ngân hàng, Nông phố Ngân hàng...); hỗ trợ tín dụng cho việc lập các công ty; chống nạn cho vay nặng lãi.

- Sở Thống kê: Đảm nhiệm việc thu thập các tài liệu, tính toán và trình bày số liệu thống kê, xuất bản ấn phẩm Thống kê bạ, Thống kê nguyệt san.

Công tác quản lý nhà nước về kinh tế của Bộ Kinh tế Quốc gia trong giai đoạn này tập trung vào mục tiêu cao nhất là cứu đói cho nhân dân thông qua hỗ trợ khôi phục sản xuất nông nghiệp và khơi thông dòng chảy lương thực giữa các vùng, miền trên cả nước; tiếp đến là thực hiện mục tiêu khuyến khích giới thương nhân khôi phục sản xuất công nghiệp và hoạt động giao thương hàng hóa, từng bước chấn hưng nền kinh tế đất nước.

Sau ngày 01/01/1946, Bộ Kinh tế Quốc gia được đổi tên thành Bộ Quốc dân Kinh tế trong Chính phủ Liên hiệp lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và ông Nguyễn Tường Long được cử giữ chức vụ Bộ trưởng. Đồng thời, nhằm tập trung các nguồn lực để thực hiện công cuộc tái thiết nền kinh tế đất nước, Bộ Quốc dân Kinh tế tiếp quản thêm các nha kinh tế: Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ; các phòng thương mại, các sở ngũ cốc, các cơ quan tiếp tế mọi ngành2.

Đến ngày 02/3/1946, Bộ Quốc dân Kinh tế được đổi tên thành Bộ Kinh tế trong Chính phủ Liên hiệp kháng chiến Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ông Chu Bá Phượng đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng. Cơ cấu tổ chức, chức năng và nhiệm vụ của Bộ Quốc dân Kinh tế được hoàn thiện, mở rộng thông qua việc sắp xếp lại và tổ chức thêm một số đơn vị3, trong đó:

- Nha Kỹ nghệ đổi tên thành Nha Khoáng chất và Kỹ nghệ; đảm nhiệm thêm việc lập bản đồ địa chất, quản lý hoạt động thăm dò, khai thác, nhượng quyền khai thác các mỏ khoáng sản.

- Nha Tiếp tế thành lập mới dựa trên việc tổ chức lại các cơ quan tiếp tế trước đây. Nha Tiếp tế phụ trách phân phối nguyên vật liệu, hàng hóa cho hoạt động sản xuất, tiểu thủ công nghiệp, cũng như cho tiêu dùng của người dân.

- Ban Thanh tra được thành lập mới nhằm kiểm tra các đơn vị trong việc tuân thủ, thi hành chủ trương, chính sách của Bộ.

- Ban Cố vấn Kinh tế được thành lập mới với nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu các chính sách kinh tế cho Bộ và Chính phủ.

- Nha Nông mục Thủy lâm giải thể; Sở Thống kê đổi tên thành Nha Thống kê Việt Nam.

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Bộ trưởng Bộ Kinh tế Quốc gia

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Bộ trưởng Bộ Kinh tế Quốc gia (8/1945 - 01/1946) sinh tại thị xã Hưng Yên trong một gia đình Công giáo. Năm 1937, ông tốt nghiệp Khoa Luật học và Chính trị, Trường Đại học Pari (Pháp). Sau khi về nước, ông được chính quyền thuộc địa cử giữ chức Giám đốc Kinh tế kiêm Thanh tra Lao động xứ Bắc Kỳ vào năm 1943.

Với cương vị này, ông đã nỗ lực đảm bảo việc cung ứng lương thực và cùng với những người bạn như nhà tư sản dân tộc Nguyễn Sơn Hà mở những điểm phát chẩn lương thực, giúp hàng nghìn người thoát khỏi nạn đói. Mặt trận Việt Minh biết rõ điều này, cho nên dù biết ông Nguyễn Mạnh Hà có quốc tịch Pháp, vẫn mời ông tham gia Chính phủ.

Trong cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (06/01/1946), ông Nguyễn Mạnh Hà đã trúng cử đại biểu Quốc hội khóa I đơn vị tỉnh Hưng Yên. Ông cũng là thành viên trong phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang đàm phán với Pháp tại Hội nghị Fontainebleau vào tháng 7/1946.

Sau ngày Toàn quốc kháng chiến, ông Nguyễn Mạnh Hà bị kẹt lại Hà Nội và bất hợp tác với chính quyền thực dân Pháp.

Ông bị trục xuất về Pháp vào năm 1951 và sống tại đây cho đến cuối đời.

b) Sau ngày 19/12/1946 đến kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp

Sau ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), nền kinh tế Việt Nam chính thức chuyển sang nền kinh tế vừa kháng chiến, vừa kiến quốc với phương châm “tự cấp, tự túc về mọi mặt”.

Đối với ta, hậu phương là các vùng rừng núi, vùng Việt Bắc trở thành Thủ đô kháng chiến, còn tiền tuyến là các vùng đồng bằng giáp ranh, thành phố. Đối với thực dân Pháp, hậu phương là các khu đô thị, khu công nghiệp quan trọng và vùng đồng bằng lớn, tiền tuyến là các vùng nông thôn.

Hoạt động giữa ta và quân Pháp trên các chiến trường đã tạo nên hình thái giằng co “cài răng lược”, hình thành nên hai vùng chủ yếu: vùng tự do là nơi hoàn toàn do ta quản lý kiểm soát và vùng bị địch tạm chiếm là nơi quân đội Pháp tạm thời kiểm soát hoàn toàn, xen kẽ phức tạp. Trước năm 1950, nhiều vùng tự do nằm hoàn toàn trong vòng vây của địch.

Điều này khiến các hoạt động sản xuất, giao thương hàng hóa chịu tác động mạnh, đặt ra nhiều vấn đề phức tạp, khó khăn mới đối với Chính phủ nói chung, Bộ Kinh tế nói riêng trong hoạt động quản lý kinh tế.

Công tác quản lý nhà nước về kinh tế của Bộ Kinh tế xuyên suốt trong cuộc kháng chiến là tập trung thực hiện ba nhiệm vụ chính, gồm: đảm bảo đời sống tối thiểu của các tầng lớp nhân dân; đáp ứng nhu cầu của công cuộc kháng chiến, đặc biệt là về vật lực cho lực lượng vũ trang, cơ quan nhà nước và doanh nghiệp quốc doanh; và bước đầu xây dựng một số nhân tố của nền kinh tế dân chủ mới.

Việc tuyển chọn người cho bộ máy thực hiện theo nguyên tắc đại đoàn kết toàn dân tộc. Bất kể quá khứ, thành phần giai cấp và tôn giáo, nếu có năng lực và có tinh thần yêu nước, toàn tâm, toàn ý phụng sự Tổ quốc và nhân dân đều được trọng dụng. Tháng 3/1947, luật sư Phan Anh được Chính phủ cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Kinh tế và đảm nhiệm chức vụ này xuyên suốt cuộc kháng chiến.

Khi cuộc kháng chiến mới bùng nổ, bộ máy của Bộ Kinh tế được sắp xếp lại theo hướng linh hoạt, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn cuộc kháng chiến. Cụ thể, các đơn vị đầu mối của Bộ được rút gọn xuống, chỉ còn: Văn phòng, các phòng sự vụ, Ban Thanh tra, Ban Cố vấn Kinh tế, Nha Thương vụ, Nha Khoáng chất và Kỹ nghệ, Nha Tiếp tế4. Đồng thời, thiết lập các sở kinh tế đặt tại các địa phương để giúp chính quyền địa phương thực hiện công tác quản lý nhà nước về hoạt động sản xuất và thương mại trong bối cảnh các địa phương thường xuyên bị chia cắt với Trung ương và mỗi địa phương có hoàn cảnh, điều kiện phát triển kinh tế khác nhau.

Tổ chức bộ máy của Bộ Kinh tế thường xuyên được kiện toàn, sắp xếp phù hợp nhằm đáp ứng các yêu cầu quản lý mới phát sinh gắn liền với các bước phát triển của công cuộc kháng chiến. Một số thay đổi quan trọng trong cơ cấu bộ máy của Bộ Kinh tế giai đoạn này gồm:

- Ngày 03/02/1947, Nha Tín dụng sản xuất được thành lập theo Sắc lệnh số 14/SL của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nha Tín dụng sản xuất chịu trách nhiệm quản lý, điều phối các nguồn tài chính để phát triển kinh tế trong nước, cung cấp các khoản hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi cho thương nhân mở rộng kinh doanh.

- Ngày 16/02/1947, Hội đồng sản xuất kỹ nghệ được thành lập theo Sắc lệnh số 23/SL của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hội đồng sản xuất kỹ nghệ có nhiệm vụ nghiên cứu chương trình, kế hoạch sản xuất kỹ nghệ và kiểm soát việc thi hành những chương trình, kế hoạch ấy.

- Ngày 16/3/1947, Ngoại thương Cục được thành lập theo Sắc lệnh số 29/B-SL của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngoại thương Cục chịu trách nhiệm quản lý hoạt động xuất, nhập khẩu, kiểm soát các loại hàng hóa được phép xuất khẩu và nhập khẩu.

- Ngày 29/02/1948, Cục Tiếp tế vận tải được thành lập, thay thế cho Nha Tiếp tế theo Sắc lệnh số 140/SL của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

- Ngày 28/5/1948, Nha Thống kê được tái lập theo Sắc lệnh số 190/SL của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nha Thống kê có nhiệm vụ lưu trữ số liệu về tất cả các lĩnh vực do Bộ Kinh tế quản lý. Đến ngày 25/4/1949, Nha Thống kê được chuyển sang Chủ tịch Phủ theo Sắc lệnh số 33/SL ngày 25/4/1949 của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

- Ngày 21/12/1949, Nha Thương vụ được đổi tên thành Nha Thương mại; Nha Khoáng chất và Kỹ nghệ được đổi tên thành Nha Kỹ nghệ theo Sắc lệnh số 143/SL của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

- Ngày 17/11/1950, Sở Nội thương được thành lập, thay thế cho Cục Tiếp tế vận tải theo Sắc lệnh số 168/SL của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sở Nội thương chịu trách nhiệm quản lý các hoạt động kinh doanh, thương mại trong nước và đấu tranh kinh tế với địch.

- Ngày 14/5/1951, Sở Mậu dịch được thành lập, thay thế cho Sở Nội thương và Ngoại thương Cục theo Sắc lệnh số 22/SL của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sở Mậu dịch có nhiệm vụ tổ chức, việc buôn bán trong nước, việc buôn bán trao đổi với nước ngoài và việc đấu tranh mậu dịch với địch.

Các cơ quan của Bộ Kinh tế được bố trí tập trung tại tỉnh Tuyên Quang, thuộc Liên khu Việt Bắc trong suốt cuộc kháng chiến. Cụ thể, từ năm 1947 đến năm 1950, các cơ quan được đặt tại xã Kim Quan, huyện Yên Sơn, từ năm 1950 đến năm 1952 chuyển đến xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa. Sau đó chuyển đến xã Bình Yên, huyện Sơn Dương từ năm 1952 đến năm 1953 và xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương từ năm 1953 đến năm 1954.

Sự thay đổi tên gọi của Bộ Công Thương giai đoạn 1945 - 1954

- Ngày 28/8/1945, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập Bộ Kinh tế Quốc gia (tiền thân của Bộ Công Thương ngày nay). Ông Nguyễn Mạnh Hà đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng.

- Ngày 01/01/1946, Bộ Kinh tế Quốc gia được đổi tên thành Bộ Quốc dân Kinh tế trong Chính phủ Liên hiệp lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông Nguyễn Tường Long đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng.

- Ngày 02/3/1946, Bộ Quốc dân Kinh tế được đổi tên thành Bộ Kinh tế trong Chính phủ Liên hiệp kháng chiến Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông Chu Bá Phượng đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng.

- Ngày 03/11/1946, Bộ Kinh tế nằm trong Chính phủ mới (thay cho Chính phủ Liên hiệp kháng chiến, thành phần do Chủ tịch Hồ Chí Minh trình tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I, thông qua ngày 03/11/1946 và được bổ sung cho đến năm 1955). Ông Ngô Tấn Nhơn đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng. Ông Phan Anh đảm nhiệm chức vụ này từ tháng 3/1947.

- Ngày 14/5/1951, Bộ Kinh tế được đổi tên thành Bộ Công Thương theo Sắc lệnh số 21/SL của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông Phan Anh tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng.

Kiến quốc cần có nhân tài

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, “kiến quốc cần có nhân tài”. Người đã viết hai bài “Nhân tài và Kiến quốc”, “Tìm người tài đức” đăng trên báo Cứu quốc để tìm người có năng lực và mong muốn tham gia xây dựng, kiến thiết Tổ quốc. Do đó, đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời một số trí thức, nhân sĩ trong chính quyền cũ ra giữ trọng trách một số bộ trong Chính phủ; trong đó, luật sư Phan Anh được mời làm Bộ trưởng Bộ Kinh tế vào tháng 3/1947.

Trước đó, vào tháng 4/1945, uy tín đạo đức và chuyên môn cao của luật sư Phan Anh đã khiến Lệ thần Trần Trọng Kim mời ông làm Bộ trưởng Bộ Thanh niên trong Chính phủ Đế quốc Việt Nam. Thực tế cho thấy, trong mọi hoạt động của mình, thái độ nhập thế của luật sư Phan Anh luôn chỉ thể hiện ham muốn phụng sự dân tộc và đất nước. Chính vì thế nên sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, luật sư Phan Anh đã rất nhẹ nhàng từ chức cùng nội các Trần Trọng Kim và rất vinh dự nhận nhiệm vụ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho, đó là thành lập và giữ chức Chủ tịch “Hội đồng Kiến thiết Quốc gia” tập hợp hầu hết các trí thức tiến bộ ở Hà Nội thời ấy.


1. Việt Nam Dân quốc Công báo, số 3, ngày 13/10/1945, tr.35.

2. Sắc lệnh số 12/SL ngày 24/01/1946 của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

3. Sắc lệnh số 61/SL ngày 06/5/1946 của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

4. Sắc lệnh số 220/SL ngày 26/11/1946 của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

1. Những chủ trương và chính sách chung của Đảng và Chính phủ

Ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ vào ngày 03/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu 6 nhiệm vụ cấp bách, trong đó nhiệm vụ “chống giặc đói” là nhiệm vụ hàng đầu. Chính phủ ban hành nhiều văn bản, giao Bộ Kinh tế Quốc gia thực hiện ngay các biện pháp đồng bộ nhằm khắc phục tình trạng thiếu lương thực, khơi dòng chảy lương thực thông suốt giữa các vùng, miền, như: xóa bỏ các hạn chế trong buôn bán, chuyên chở thóc gạo giữa các vùng, miền; cấm xuất khẩu các loại ngũ cốc và chế phẩm từ ngũ cốc, cấm sử dụng ngũ cốc vào các việc không cần thiết như nấu rượu... Đồng thời, Chính phủ cũng cử một ủy ban chuyên trách giúp đảm bảo và đốc thúc việc chuyên chở lương thực từ Nam Bộ và Trung Bộ ra Bắc Bộ.

Chỉ trong vòng ba tháng cuối năm 1945, đã có hàng nghìn tấn gạo được chuyển và phân phối kịp thời về các địa phương tại Bắc Bộ để cứu đói. Đây được xem là một kỳ tích, nhất là trong bối cảnh quân đội viễn chinh Pháp đã quay trở lại xâm lược Nam Bộ từ cuối tháng 9/1945 khiến việc chuyên chở lương thực giữa các vùng, miền gặp nhiều trắc trở.

Mặt khác, Bộ Kinh tế Quốc gia cũng trực tiếp động viên nhiều chủ doanh nghiệp cấp tốc sản xuất thêm nông cụ và bán không lấy lãi cho nông dân, thậm chí không tính công sản xuất mà chỉ tính chi phí nguyên liệu nhằm khắc phục tình trạng thiếu trâu bò trong sản xuất nông nghiệp. Trong vòng một năm, hoạt động sản xuất nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả lớn, góp phần quyết định giải quyết nạn đói.

Đồng thời, Chính phủ rất coi trọng việc khôi phục sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại nhằm tiến tới xây dựng nền kinh tế tự chủ của dân tộc. Chính phủ chủ trương phát triển hoạt động công nghiệp và thương mại. Phát huy lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước của giới công thương trong nước, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nhân dốc sức kiến thiết nền kinh tế và tham gia bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, Chính phủ cũng cố gắng không gây những xáo trộn không cần thiết, tạo điều kiện cho phép giới tư bản Pháp, Nhật nói riêng và tư bản nước ngoài nói chung duy trì công việc kinh doanh như cũ trong khung khổ pháp luật của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trong Tuần lễ Vàng1, ngày 18/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành thời gian gặp thân mật 30 nhà công thương Hà Nội - đại diện cho giới công thương Việt Nam. Đây cũng là giới chức xã hội đầu tiên được Người tiếp tại Phủ Chủ tịch. Tại buổi gặp, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh vai trò của giới công thương trong sự nghiệp xây dựng lại đất nước sau gần 80 năm dưới ách cai trị của thực dân Pháp. Người cũng phân tích sâu sắc, biện chứng mối quan hệ giữa dân giàu - nước mạnh. Sau cuộc gặp này, Chính phủ được giới công thương Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung ủng hộ rất lớn về vật chất, qua đó giảm bớt khó khăn về tài chính cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ.

Bác Hồ gặp công thương Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp thân mật 30 nhà công thương Hà Nội, đại diện cho giới công thương Việt Nam, tại Phủ Chủ tịch, ngày 18/9/1945 (Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam)

Ngay sau đó, Sắc lệnh số 36/SL ngày 22/9/1945 của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được ban hành nhằm bãi bỏ tất cả các nghiệp đoàn vốn chủ yếu bảo vệ lợi ích độc quyền kinh doanh của một nhóm nhỏ doanh nghiệp dưới thời chính quyền thuộc địa, như nghiệp đoàn: Nông sản và Lâm sản, Kỹ nghệ, Khoáng sản, Thương mại,... Đến ngày 02/10/1945, Bộ Quốc dân Kinh tế ra Nghị định cho phép các nhà kinh doanh có quyền tự do khai trương, mở rộng, nhượng lại hay di chuyển cơ sở kinh doanh2, qua đó xóa bỏ quy chế ngặt nghèo của chính quyền cai trị trước đây trong việc kiểm soát mọi hoạt động kinh doanh.

đấu giá Đông đảo đồng bào, trong đó có tầng lớp thương nhân, tham dự buổi đấu giá tranh của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuần lễ Vàng tháng 9/1945 (Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam)

Tiếp tục khẳng định vai trò, sứ mệnh quan trọng của giới công thương, ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho giới công thương Việt Nam. Trong thư, có đoạn viết: “Được tin giới công thương đã đoàn kết lại thành “Công - Thương cứu quốc đoàn” và gia nhập vào Mặt trận Việt Minh, tôi rất vui mừng. Hiện nay, “Công - Thương cứu quốc đoàn” đương hoạt động để làm nhiều việc ích quốc lợi dân, tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt. Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới Công - Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng”3. Về trách nhiệm của các cơ quan công quyền đối với sự phát triển của giới công thương, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương trong công cuộc kiến thiết...”4.

Ngày 25/11/1945, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc với định hướng chiến lược nước ta cần phải vừa chiến đấu, vừa xây dựng kinh tế để vượt qua các khó khăn. Hai nhiệm vụ này quan trọng ngang nhau và để phát triển kinh tế thì cần tập trung khôi phục sản xuất công nghiệp, cho tư nhân góp vốn kinh doanh các nhà máy, khai mỏ, khuyến khích giới công thương mở hợp tác xã, mở hội cổ phần tham gia kiến thiết lại nước nhà5.

Nhiều lĩnh vực công nghiệp và thương mại dần được phục hồi, các doanh nhân tổ chức huy động vốn lập công ty kinh doanh mới, trong đó, có nhiều công ty có quy mô vốn lớn như Thái Bình Thương hội tại Hà Nội với số vốn 1 triệu đồng Đông Dương, Hải Việt Công ty tại Hải Phòng với số vốn 500.000 đồng Đông Dương...6. Điều này đã minh chứng các chủ trương và giải pháp mở mang kinh tế, phục hồi công thương nghiệp của Chính phủ ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 phù hợp với yêu cầu của đất nước, được các nhà kinh doanh trong giới công thương hưởng ứng nhằm góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập.

Trước nguy cơ chiến tranh hiện hữu, ngay từ tháng 3/1946, Chính phủ đã chủ trương bí mật di chuyển dần các máy móc, thiết bị, vật tư nguyên liệu sản xuất từ các đô thị, vùng công nghiệp quan trọng như Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn - Chợ Lớn... về các khu vực an toàn, nhằm chuẩn bị cơ sở vật chất cho công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

nhà máy giấy Chính phủ gấp rút sửa chữa, khôi phục các nhà máy lớn, trong đó có Nhà máy Giấy Đáp Cầu (Bắc Ninh) và lập các ủy ban thuộc Nhà nước để trông coi và tổ chức sản xuất (Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam)

Bộ Kinh tế được giao nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng những loại máy móc, vật tư sản xuất cần thiết và có thể di chuyển được, những gì cần ưu tiên chuyển trước và những gì có thể di chuyển cuối cùng mà vẫn đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất. Đồng thời, Nha Tiếp tế trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thu mua, vận chuyển và dự trữ hàng vạn tấn thóc gạo về các khu an toàn.

Một đội công tác đặc biệt được thành lập nhằm nghiên cứu tình hình kinh tế các địa phương mà Chính phủ dự kiến thiết lập thành căn cứ địa để đánh giá khả năng tự cấp tự túc, các nguồn lực kinh tế sẵn có, chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ.

Theo thời gian, cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp quay trở lại xâm lược lần thứ hai ngày càng cam go, ác liệt. Mặc dù bận nhiều công việc trong lãnh đạo kháng chiến, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành nhiều thời gian quan tâm đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của giới công thương. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên đánh giá cao, khuyến khích những thành tích đạt được của các đơn vị, xí nghiệp sản xuất, cơ sở thương mại. Đồng thời, Chính phủ cũng thực hiện hàng loạt giải pháp nhằm phát triển sản xuất công nghiệp, đảm bảo việc cung ứng hàng hóa cho kháng chiến và đời sống nhân dân diễn ra hiệu quả, cũng như đấu tranh kinh tế thắng lợi với địch.

Sự kiện Tuần lễ Vàng

Khi nhắc đến sự kiện Tuần lễ Vàng, bà Hoàng Thị Minh Hồ, vợ của nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô, chủ hiệu buôn tơ lụa nổi tiếng Phúc Lợi ở 48 Hàng Ngang (Hà Nội) xúc động kể lại: “Vợ chồng tôi cảm kích trước bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào cả nước khi cụ nói về trách nhiệm của người dân trước quốc gia non trẻ, nên ngay trong ngày đầu tiên vợ chồng tôi đã ủng hộ 117 lạng vàng”. Tổng cộng từ khi được giác ngộ, gia đình nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô đã ủng hộ Việt Minh, Chính phủ lâm thời 5.147 lạng vàng.

Nhà tư sản Nguyễn Sơn Hà chuyên sản xuất sơn cũng rất tích cực đóng góp tiền vàng, ông còn vận động các nhà tư sản khác và mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Trong lần ủng hộ đầu tiên, gia đình ông đã hiến tặng toàn bộ số nữ trang của gia đình nặng 10,5 kg vàng. Ngoài ra, còn rất nhiều nhà tư sản khác như ông Ngô Tử Hạ, ông Tống Minh Phương, bà Vương Thị Lai, ông Đỗ Đình Thiện...

Có một điều rất đáng khâm phục đó là các nhà tư sản đều biết rõ âm mưu của thực dân Pháp muốn quay lại chiếm Việt Nam và chắc chắn công việc kinh doanh của họ sẽ bị gây khó dễ nhưng họ vẫn chấp nhận. Trước tấm lòng vì nước của giới công thương Việt Nam, ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư động viên, cổ vũ giới công thương tham gia công cuộc xây dựng đất nước và ngày này đã trở thành “Ngày Doanh nhân Việt Nam” hiện nay.

Tuần lễ Vàng Trong Tuần lễ Vàng, các tầng lớp nhân dân, trong đó có giới công thương đã quyên góp được 20 triệu đồng và 370 kg vàng (Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam)

1. Tuần lễ Vàng là sự kiện do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động, bắt đầu từ ngày 17/9/1945 đến ngày 24/9/1945 nhằm kêu gọi sự ủng hộ của nhân dân, nhất là tầng lớp thương nhân, chung tay đóng góp vào ngân sách quốc gia, giúp tháo gỡ khó khăn về mặt tài chính của đất nước.
2. Việt Nam Dân quốc Công báo, số 2, ngày 06/10/1945, tr.25.
3, 4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr.53.
5. Viện Lịch sử Đảng: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, Sđd, t.3, tr.44.

6. Xem Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, Viện Kinh tế học, Đặng Phong (Chủ biên): Lịch sử kinh tế Việt Nam 1945 - 2000 (Tập 1: 1945 - 1954), Sđd, tr.160.

Danh mục

Tùy chỉnh