V- TÌNH HÌNH KINH TẾ VÙNG TẠM BỊ ĐỊCH CHIẾM

1. Giai đoạn 1946 - 1950

2. Giai đoạn 1951 - 1954

V- TÌNH HÌNH KINH TẾ VÙNG TẠM BỊ ĐỊCH CHIẾM

1. Giai đoạn 1946 - 1950

2. Giai đoạn 1951 - 1954

5. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực

Trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến, đội ngũ cán bộ phụ trách kinh tế, kỹ thuật của ta vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chuyên môn, cũng như kinh nghiệm trong bối cảnh đặc thù của cuộc kháng chiến, khiến nhiều chính sách điều hành kinh tế của ta chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng.

Nhằm giải quyết vấn đề này, năm 1948, khi tình hình giữa ta và địch dần ổn định hơn, Bộ trưởng Kinh tế Phan Anh đề xuất mở hai khóa đào tạo cán bộ quản lý kinh tế, tuyển học viên từ các liên khu trên cả nước với yêu cầu đầu vào là ít nhất đã có bằng Thành chung1 dưới thời chính quyền thuộc địa hoặc tương đương. Thời gian khóa học diễn ra trong 6 tháng, sau khi tốt nghiệp, học viên sẽ được sát hạch và xếp vào ngạch Tham sự kinh tế. Đây là cấp công chức cao thứ 3 trong hệ thống 5 ngạch công chức2 thời bấy giờ của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cho thấy chủ trương thu hút, trọng dụng và đãi ngộ trí thức của Bộ Kinh tế để nâng cao hiệu quả quản lý kinh tế.

Tuy nhiên, đây được xem là vấn đề rất mới trong thời kỳ này và có hàng loạt khó khăn phát sinh như nguồn kinh phí để mở khóa đào tạo, chương trình giảng dạy, đội ngũ giảng viên... Kế hoạch đào tạo này phải trình Hội đồng Chính phủ xem xét, quyết định và mức kinh phí dự kiến tương đương quy đổi 4.000 kg thóc. Do đó, có nhiều ý kiến phản đối, cho rằng việc đào tạo cán bộ quản lý kinh tế là chưa cần thiết khi cuộc kháng chiến còn nhiều ưu tiên hơn. Các cuộc tranh luận xung quanh chủ trương này kéo dài, căng thẳng; cuối cùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có kết luận theo hướng tán thành chủ trương của Bộ Kinh tế. Nhờ đó, việc tổ chức hai khóa đào tạo được khơi thông và nhận được kinh phí cần thiết để triển khai.

Do cuộc chiến tranh khốc liệt, chỉ các học viên từ tỉnh Quảng Trị trở ra mới có điều kiện tham gia khóa đào tạo tại chiến khu Việt Bắc. Tuy nhiên, hai khóa đào tạo vẫn thu hút được đông đảo thanh niên trí thức, có trình độ học vấn cao so với mặt bằng xã hội, lên tới gần 100 học viên. Chương trình đào tạo gồm những vấn đề cơ bản về kinh tế học, tổ chức - quản lý kinh tế, các chủ trương, chính sách kinh tế của Chính phủ, địa lý kinh tế Việt Nam, thống kê, kế toán kép, cũng như các vấn đề thời sự và chính trị.

Các giảng viên tham gia giảng dạy là các cán bộ có kinh nghiệm, chuyên môn cao đang phụ trách các cơ quan xung quanh địa bàn Bộ Kinh tế. Cục trưởng Cục Ngoại thương Lưu Văn Đạt là Hiệu trưởng và Thứ trưởng Bộ Kinh tế Bùi Công Trừng là Chính trị viên của hai khóa đào tạo. Địa điểm lớp học được tổ chức trong rừng Kha Sơn Hạ (Phú Bình, Thái Nguyên) và Sơn Thanh (Tam Dương, Vĩnh Yên) nhằm tránh các đợt càn của địch. Lớp không có bàn ghế, học viên phải mang một mặt gỗ phẳng, kê lên đùi làm bàn ghi chép. Tuy điều kiện vật chất thiếu thốn nhưng tất cả học viên đều hăng say học tập, giảng viên dốc sức truyền đạt kiến thức. Kỳ thi sát hạch cuối khóa được tổ chức bài bản, nghiêm ngặt.

Các học viên tốt nghiệp được bổ sung về Bộ Kinh tế hoặc về lại địa phương nơi đã cử đi học để phục vụ phát triển kinh tế địa phương. Có thể xem hai khóa học này là nơi tạo nguồn cán bộ khung quý báu cho hoạt động quản lý kinh tế của Chính phủ Việt Nam thời kỳ này. Nhiều học viên sau này đã có những đóng góp lớn, giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan quản lý kinh tế của Nhà nước tại Trung ương và địa phương.

Cũng trong năm 1948, Bộ Kinh tế tổ chức khóa đào tạo về Pháp lý tại Tam Đảo (Vĩnh Yên) nhằm tạo nguồn cán bộ có chuyên môn về công tác pháp luật, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật quản lý kinh tế. Học viên được tuyển chọn là những người đã có bằng Tú tài3. Giảng viên giảng dạy là các luật sư đã từng được đào tạo bài bản và các cán bộ chính trị cao cấp. Bộ trưởng Kinh tế Phan Anh trực tiếp giảng dạy môn Công pháp quốc tế. Luật sư Đỗ Xuân Sảng là Hiệu trưởng. Tuy nhiên, do quân đội Pháp đánh chiếm khu vực Tam Đảo, nên khóa đào tạo buộc phải giải thể.

Tiếp nối thành công của hai khóa đào tạo quản lý kinh tế đầu tiên, đầu năm 1950, Bộ Kinh tế tiếp tục tổ chức lớp bồi dưỡng về kinh tế cho hơn 40 học viên là cán bộ thuộc các cơ quan đóng tại Mãn Hóa (Sơn Dương, Tuyên Quang). Chương trình học tương tự như khóa đào tạo quản lý kinh tế, thời gian đào tạo trong ba tháng. Kết thúc khóa học, học viên cũng phải tham gia thi sát hạch để đánh giá chất lượng học tập.

Bên cạnh các khóa học đào tạo, lớp bồi dưỡng được tổ chức chính quy, đội ngũ cán bộ tại nhiều cơ quan thuộc Bộ Kinh tế đẩy mạnh thực hiện công tác tự bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, người biết nhiều bồi dưỡng người biết ít, tự đào tạo lẫn nhau theo hình thức “cầm tay, chỉ việc”. Ngay tại các liên khu, các tỉnh cũng tổ chức các lớp hướng dẫn kinh tế cho cán bộ của huyện, xã. Riêng tại Liên khu V, tính đến cuối năm 1949, đã có 50% cán bộ kinh tế huyện và 30% cán bộ kinh tế xã được học những lớp này. Liên khu V cũng mở riêng lớp đào tạo cán bộ kinh tế miền núi, gọi là Lớp kinh tế Thượng du.

Cũng trong năm 1948, do thiếu lực lượng cán bộ kỹ thuật nên ngành Công Thương đã mở Trường Cán bộ kỹ thuật Trung Bộ đặt tại xã Đồng Thanh, huyện Thanh Chương, Nghệ An. Đây là Trường Cao đẳng Kỹ thuật đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trường đào tạo cán bộ kỹ thuật cho ngành Cơ khí và Đúc - Luyện kim, để bổ sung kịp thời cho các công binh xưởng, xí nghiệp kinh tế.

Trong những năm 1952 - 1954, hàng loạt lớp đào tạo sâu về công tác thu mua lâm, thổ sản, quản lý sản xuất tiểu thủ công nghiệp... được tổ chức dành cho đội ngũ cán bộ mậu dịch, góp phần nâng cao hiệu quả và mở rộng hệ thống mậu dịch quốc doanh.

Đặc biệt, từ sau khi quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc chính thức được thiết lập và tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc được khơi thông trong năm 1950, Chính phủ đã chủ trương cử nhiều cán bộ sang Trung Quốc và Liên Xô để được đào tạo chuyên sâu về quản lý kinh tế, kỹ thuật điện, khai thác khoáng sản... nhằm phục vụ cho công cuộc kiến thiết sau này.

Câu chuyện về người hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Cộng hòa Pháp cùng phái đoàn của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dự Hội nghị Phôngtennơbờlô (từ ngày 31/5/1946 đến ngày 10/9/1946). Kỹ sư Võ Quý Huân được Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn cùng 3 trí thức (Phạm Quang Lễ, Võ Đình Quỳnh và Trần Hữu Tước) về nước phụng sự Tổ quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh tâm sự: “Sớm muộn gì cuộc chiến tranh Việt - Pháp sẽ không tránh khỏi, chú Phạm Quang Lễ (Trần Đại Nghĩa), chú Võ Quý Huân về nước sẽ chế tạo được vũ khí đánh giặc, chú Trần Hữu Tước bào chế thuốc men, đó là những yêu cầu khẩn thiết nhất lúc này”.

Tháng 4/1947, sau ngày toàn quốc kháng chiến, kỹ sư Võ Quý Huân được cử về làm Giám đốc Sở Khoáng chất kỹ nghệ Trung bộ; Tổng thư ký Hội đồng sản xuất kỹ nghệ miền Nam và Liên khu IV; Chủ nhiệm tập san Kỹ nghệ, đồng thời nghiên cứu và sản xuất gang, thép để phục vụ kháng chiến chống Pháp. Ông là người đầu tiên trực tiếp thiết kế và xây dựng các lò cao luyện gang, luyện thép với nguyên, nhiên liệu trong nước.

Do thiếu lực lượng cán bộ kỹ thuật, ông đề nghị cấp trên cho mở Trường Đào tạo cán bộ kỹ thuật cho ngành Cơ khí và Đúc - Luyện kim, để bổ sung kịp thời cán bộ kỹ thuật cho các công binh xưởng, xí nghiệp kinh tế. Trường Cán bộ kỹ thuật Trung bộ đặt tại xã Đồng Thanh, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Đây là Trường Cao đẳng kỹ thuật đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Với vai trò là Hiệu trưởng, ông đã biên soạn chương trình đào tạo và trực tiếp giảng dạy. Khóa 1 năm 1948 có 22 học viên, sau này đã trở thành lực lượng nòng cốt cho việc xây dựng và phát triển ngành công nghiệp nặng của đất nước... điển hình như Giáo sư Hà Học Trạc - Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Kỹ sư Hoàng Bình - Nguyên Thứ trưởng Bộ Cơ khí và Luyện kim, Kỹ sư Nguyễn Văn Hựng - Nguyên Thứ trưởng Bộ Cơ khí và Luyện kim...

Trong bức thư gửi Bác sĩ Trần Hữu Tước tại Việt Bắc ngày 20/9/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “... Nói để chú biết, chú mừng: Tôi vẫn mạnh khỏe luôn. Mấy anh em cùng về một lần với chúng ta; chú Nghĩa và chú Huân làm việc rất hăng hái và đắc lực, đã giúp sức rất nhiều trong công việc kháng chiến”4.


1. Chứng chỉ tốt nghiệp bậc Cao đẳng Tiểu học dưới thời chính quyền thuộc địa. Người có bằng Thành chung có thể theo học lên bậc Trung học, tức bậc Tú tài.

2. Sắc lệnh số 188/SL ngày 29/5/1948 của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về chế độ công chức mới, thang lương chung cho các ngạch và các hạng công chức Việt Nam.

3. Chứng chỉ tốt nghiệp bậc Trung học dưới thời chính quyền thuộc địa. Người có bằng Tú tài có thể vào các đại học ở Đông Dương hoặc Pháp.

4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.247.

1. Giai đoạn 1946 - 1950

a) Kế hoạch hiện đại hóa nền kinh tế Đông Dương của Pháp thất bại

Ngay từ năm 1946, kỹ sư Bourgoin, cố vấn về kế hoạch hóa của Cao ủy Pháp tại Đông Dương đã đề xuất một kế hoạch đầy tham vọng nhằm tái thiết nền kinh tế Đông Dương mang tên Kế hoạch phục hồi, hiện đại hóa và trang bị lại nền kinh tế Đông Dương1 (Plan de Modernisation et d’Équipement de l’Indochine) như một phần trong kế hoạch tái thiết nước Pháp sau Chiến tranh thế giới thứ hai2.

Theo nhận định của Bourgoin, nền kinh tế của Liên bang Đông Dương (trong đó có Việt Nam) chủ yếu là dựa vào xuất khẩu nguyên liệu, hàng hóa thô gồm khoáng sản và sản phẩm nông, lâm nghiệp. Nhưng đây là các mặt hàng có giá trị xuất khẩu thấp và bị phụ thuộc lớn vào các biến động trên thị trường quốc tế, khiến đời sống dân chúng ở mức thấp và lạc hậu. Để khắc phục tình trạng này, Kế hoạch Bourgoin chủ trương nâng cao giá trị các loại hàng hóa xuất khẩu để giúp nền kinh tế thuộc địa thu được nhiều tiền hơn và quay vòng khoản lợi nhuận này để tiếp tục mở rộng quy mô nền kinh tế. Đồng thời, hướng tới khai thác nhu cầu tiêu dùng nội địa, trên cơ sở đó nâng cao mức sống của người dân bản địa. Muốn vậy, chính quyền thuộc địa phải chú trọng phát triển ba lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn đó là năng lượng, cơ khí và hóa chất.

Công nghiệp năng lượng đóng vai trò then chốt cho kế hoạch đầy tham vọng này và dự kiến sẽ được đẩy mạnh phát triển đầu tiên để đảm bảo nguồn cung năng lượng cho các lĩnh vực công nghiệp còn lại. Đa số các nhà máy công nghiệp sẽ được bố trí tại Bắc Bộ - nơi có nguồn than đá dồi dào và rẻ. Theo dự kiến ban đầu, chính quyền thuộc địa sẽ phải cần có thêm ít nhất hai nhà máy điện, một nhà máy nhiệt điện tại Mạo Khê (nay thuộc tỉnh Quảng Ninh) và một nhà máy thủy điện trên sông Đa Nhim (nay thuộc tỉnh Lâm Đồng).

Công nghiệp cơ khí với trọng tâm là sản xuất máy móc phục vụ mở rộng canh tác nông nghiệp, nâng cao chất lượng chế biến nông lâm thủy sản, chế biến khoáng sản và chế tạo sản phẩm tiêu dùng. Bên cạnh đó, công nghiệp cơ khí phục vụ sửa chữa tàu, thuyền, thiết bị hàng không cũng được quan tâm nhằm khai thác lợi thế vị trí địa lý của Đông Dương, giao điểm của nhiều tuyến đường vận tải biển và hàng không trong khu vực. Công nghiệp hóa chất tập trung phát triển các loại phân bón nhằm nâng cao sản lượng nông nghiệp và các loại hóa chất phục vụ công nghiệp chế biến, sản xuất hàng tiêu dùng. Kế hoạch Bourgoin cũng đề ra mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa công nghiệp.

Kế hoạch này ban đầu dự tính sẽ tiêu tốn 1,5 tỉ đồng Đông Dương trong vòng 10 năm kể từ năm 1946 để xây dựng lại nền kinh tế Đông Dương. Mãi đến tháng 9/1948, kế hoạch này mới được chấp thuận. Tuy nhiên, ngay từ khi triển khai, sự thất bại của kế hoạch này đã được nhìn thấy trước vì thiếu kinh phí và chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của giới quân sự Pháp thất bại. Cụ thể:

Thứ nhất, nguồn ngân sách chung của Liên bang Đông Dương kém xa so với yêu cầu đầu tư của Kế hoạch Bourgoin. Ngân sách mà Đông Dương nhận được trong giai đoạn 1946 - 1949 lần lượt là: 249 triệu đồng Đông Dương (1946), 1.249,9 triệu đồng Đông Dương (1948) và 1.788 triệu đồng Đông Dương (1949)3. Trong khi đó, số tiền mà Kế hoạch Bourgoin yêu cầu trong 5 năm lần thứ I (1946 - 1950) là 1.879 triệu đồng Đông Dương, tính theo mức trượt giá của năm 1947 thì con số này tương đương 25.498 triệu đồng Đông Dương, gấp 49 lần ngân sách của năm 1947. Tính đến giữa năm 1949, số tiền thực chi cho Kế hoạch Bourgoin chưa được 5% mức dự trù trong 5 năm lần thứ nhất. Số tiền thực chi chủ yếu là khôi phục, sửa chữa lại các cơ sở công nghiệp bị phá hủy trong chiến tranh, do đó, năng lực sản xuất của các cơ sở công nghiệp trong vùng tạm bị địch chiếm không được nâng cao so với trước chiến tranh và càng không thể đạt được các mục tiêu viển vông mà kế hoạch Bourgoin đã đề ra.

Thứ hai, Kế hoạch Bourgoin được xây dựng dựa trên ảo tưởng nước Pháp sẽ nhanh chóng chiến thắng và giành toàn quyền kiểm soát Việt Nam mà không lường được việc quân đội Pháp sẽ bị sa lầy kéo dài. Điều này khiến chi phí quân sự tăng vọt, buộc nước Pháp phải ưu tiên nguồn lực tài chính cho các hoạt động quân sự. Đồng thời, chiến tranh và phá hoại khiến việc phát triển các cơ sở công nghiệp càng không thể yên ổn thực hiện được. Mục tiêu phát triển hạ tầng cho phát triển kinh tế mau chóng biến thành các đường giao thông chiến lược cho hoạt động quân sự của quân đội Pháp. Rủi ro chiến tranh cũng khiến giới tư bản Pháp không thiết tha với việc đầu tư lâu dài, mở rộng sản xuất tại Việt Nam.

Từ giữa năm 1947, thực dân Pháp xúc tiến mạnh mẽ việc lôi kéo cựu hoàng Bảo Đại đứng ra lập một chính phủ “quốc gia”. Sau nhiều lần thương thuyết kéo dài, đến tháng 3/1949, Hiệp định Élysée được ký kết giữa Tổng thống Pháp Vincent Auriol và Bảo Đại, mở đường cho việc Bảo Đại đứng ra lập “Chính phủ Quốc gia Việt Nam” vào tháng 7/1949, Bảo Đại làm Quốc trưởng kiêm Thủ tướng, nhằm đối lập với chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tuy nhiên, Hiệp định Élysée chưa phản ánh được sự độc lập và thống nhất hoàn toàn của Việt Nam. Thực tế, người Pháp vẫn hiện diện và nắm quyền lãnh đạo trên mọi khía cạnh từ ngoại giao cho đến quân sự. Chính quyền của Bảo Đại và nền độc lập của Việt Nam mà người Pháp trao cho Bảo Đại là giả hiệu. Nội các của Bảo Đại cũng liên tục cải tổ, thay đổi nhiều lần cho đến tận năm 1954. Khi nhận định về Chính phủ Quốc gia Việt Nam, nhà báo người Pháp Philippe Devillers đương thời đã cho biết: “Chẳng phải một nước quân chủ, cũng chẳng phải một nước cộng hòa, cái Quốc gia Việt Nam này không có cơ sở nhân dân, không có Quốc hội, ngay một Quốc hội tư vấn cũng không có, không có Hiến pháp và trong nhiều năm, không có cả ngân sách”4.

Việc quân đội Pháp thất bại nặng nề ở Chiến dịch Biên giới thu đông năm 1950 gần như đặt dấu chấm hết cho Kế hoạch Bourgoin riêng và các ảo tưởng của Pháp về một nền kinh tế thuộc địa kiểu mới tại Đông Dương.

Tháng 9/1951, Mỹ trực tiếp ký với chính quyền Bảo Đại bản Hiệp ước hợp tác kinh tế Việt - Mỹ nhằm chuyển thẳng một phần viện trợ của Mỹ cho chính quyền Bảo Đại thay vì qua Pháp như trước đây, trực tiếp ràng buộc chính quyền Bảo Đại vào Mỹ. Từ năm 1950 đến năm 1954, Mỹ đã viện trợ cho chính quyền Bảo Đại lượng hàng hoá trị giá 23 triệu USD và lượng tiền trị giá 36 triệu USD5. Hầu hết số viện trợ này được sử dụng cho các hoạt động quân sự.

Tháng 7/1953, Pháp ra tuyên bố quy định việc trao trả độc lập cho ba nước Đông Dương và mời ba quốc gia này cùng tham gia đàm phán về kinh tế, tài chính, pháp lý và quân sự. Tuy nhiên, các nội dung đàm phán chỉ mang tính lý thuyết, nêu lên những nguyên tắc và thực tế Pháp vẫn muốn ràng buộc cả ba nước Đông Dương6. Sự độc đoán và chuyên quyền của Pháp khiến chính quyền Bảo Đại không thể đưa ra những chính sách điều hành có hiệu quả, bao gồm cả những chính sách phát triển kinh tế.

Nền kinh tế vùng tạm bị địch chiếm dần bộc lộ thực chất

Chủ trương kinh doanh của đa phần giới tư bản Pháp nói riêng, giới tư bản nước ngoài nói chung trong giai đoạn này mang nặng tính chộp giật do bị đe dọa bởi chiến tranh, chỉ tập trung khai thác triệt để nguồn tài nguyên thiên nhiên, bóc lột sức lao động để tối đa hóa lợi nhuận. Tư duy kinh doanh này khiến sản lượng của nhiều lĩnh vực, thậm chí còn suy giảm so với trước khi chiến tranh nổ ra.

Trong sản xuất công nghiệp, lĩnh vực khai khoáng, đặc biệt là khai thác than tiếp tục là ngành được giới tư bản Pháp ưu tiên. Các khu mỏ khai thác tuy rót vốn thêm, nhưng mức đầu tư không đủ để phục hồi các tổn thất do chiến tranh, phá hoại gây ra, chưa nói đến việc mở rộng sản xuất. Sản lượng khai thác than tuy có tăng từ 262.000 tấn trong năm 1946 lên 503.000 tấn trong năm 1950, nhưng con số này chỉ bằng 20% so với mức sản lượng khai thác năm 1940. Sản lượng các mỏ quặng thiếc và wolfram chỉ đạt 31,5 tấn trong năm 1949 và từ sau đó không còn hoạt động nữa. Các thất bại của quân đội Pháp cũng khiến nhiều mỏ khai khoáng quan trọng như mỏ thiếc tại Tĩnh Túc (Cao Bằng), mỏ kẽm tại Chợ Đồn (Thái Nguyên), mỏ apatít tại Lào Cai... dần thuộc về vùng tự do của ta. Đến năm 1950, hoạt động khai khoáng hầu như chỉ còn lại tại khu mỏ Hòn Gai.

Một số lĩnh vực sản xuất ghi nhận mức phát triển tốt trong giai đoạn này đều gắn với việc phục vụ nhu cầu của quân đội Pháp tại chỗ khi chiến tranh leo thang, như: ximăng để xây công sự, sửa chữa cầu đường; đồ dệt để sản xuất quân trang, rượu, bia và thuốc lá cho binh lính... Điển hình, sản lượng ximăng tăng từ 98.000 tấn trong năm 1948 lên 144.000 tấn trong năm 1950, trong đó, mức tiêu thụ nội địa lên đến 122.000 tấn. Sản lượng thuốc lá tăng từ 3.143 tấn trong năm 1948 lên 4.522 tấn trong năm 1950. Sản lượng vải dệt trong năm 1950 đạt 1.187 tấn, tăng 60% so với năm 19497.

Trong hoạt động thương mại, hàng hóa lưu thông trên thị trường dồi dào cả về số lượng và chủng loại, nhưng chủ yếu là hàng hóa nhập khẩu. Giá trị nhập khẩu cao vượt trội so với giá trị xuất khẩu khiến nền kinh tế vùng tạm bị địch chiếm rơi vào tình trạng nhập siêu nghiêm trọng.

Cụ thể, tổng giá trị nhập khẩu trong năm 1950 đạt 4,21 tỉ đồng Đông Dương, cao hơn gần 3 lần so với giá trị xuất khẩu ở mức 1,56 tỉ đồng Đông Dương. Trong đó, giá trị nhập khẩu hàng hóa từ Pháp chiếm hơn 74% tổng giá trị nhập khẩu. Hàng hóa nhập khẩu chủ yếu là hàng dệt may và nguyên vật liệu sợi, hàng tiêu dùng và xa xỉ phẩm, dược phẩm và các loại máy móc.

Về phía xuất khẩu, Pháp là thị trường tiêu thụ hàng hóa của Việt Nam nhiều nhất (chiếm 45%). Đặc biệt, cùng với mức độ gia tăng can thiệp vào cuộc chiến tranh tại Đông Dương, Mỹ cũng dần nổi lên là thị trường gom mua lượng lớn hàng hóa của Việt Nam, nhất là các loại nguyên liệu thô như cao su. Trong năm 1950, Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, chiếm 19,7% tổng giá trị xuất khẩu (trong khi con số này của năm 1949 chỉ là 1,3%).

Các đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn là những thị trường tiêu thụ chính của hàng hóa ngoại nhập. Thị trường sầm uất nhưng chủ yếu là nhờ vào nguồn hàng từ bên ngoài đưa vào, đặc biệt việc nhập khẩu này không diễn ra bình thường mà bằng viện trợ và hoạt động đầu cơ tiền tệ. Tất cả những điều này gây xói mòn tận gốc rễ những trụ cột của nền kinh tế vùng tạm bị địch chiếm.

b) Tiền ra thị trường ngày càng nhiều

Phần lớn hoạt động sản xuất công nghiệp thụt lùi, xuất khẩu hàng hóa ở mức yếu khiến số thu ngân sách của chính quyền thực dân Pháp tại các vùng tạm bị địch chiếm suy giảm mạnh. Nguồn thu ngân sách của chính quyền thực dân Pháp chủ yếu dựa vào thuế nhập khẩu hàng hóa, các khoản trợ cấp và trích quỹ dự trữ. Trong khi đó, nhu cầu chi tiêu cho các hoạt động quân sự, khôi phục và phát triển nền kinh tế Đông Dương lại ngày càng lớn. Đồng thời, mức chịu đựng của ngân sách Pháp đối với các vấn đề tại Đông Dương cũng có giới hạn khi chính bản thân nền kinh tế Pháp còn đang chật vật phục hồi sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Tất cả những điều này đã buộc chính quyền thực dân Pháp phải sử dụng giải pháp in tiền để giải quyết các khó khăn tài chính.

Khối lượng tiền được lưu hành và số tiền phát hành ứng cho kho bạc của chính quyền thực dân Pháp gần như tương đương nhau qua từng năm, đồng nghĩa với việc phần lớn lượng tiền được lưu hành là được ứng cho chi tiêu ngân sách. Lạm phát là điều không thể tránh khỏi. Chỉ số giá sinh hoạt tại các vùng tạm bị địch chiếm tăng nhanh tương ứng, thậm chí còn cao hơn cả tốc độ tăng của khối lượng tiền được chính quyền thực dân Pháp bơm vào nền kinh tế.

Tình trạng nhập siêu càng khiến tình trạng lạm phát trở nên nghiêm trọng hơn. Đồng tiền Đông Dương rớt giá mạnh trên thị trường. Tỷ giá chính thức mà chính quyền thực dân Pháp ấn định là 1 đồng Đông Dương đổi được 17 đồng franc, nhưng trên thị trường 1 đồng Đông Dương chỉ đổi được 7 - 8,5 đồng franc vào năm 1950. Sức mua của những người có thu nhập bằng đồng Đông Dương, đặc biệt là tầng lớp lao động, giảm đi nhanh chóng qua các năm.

bảng 18

Chính phủ Pháp biết rõ điều này nhưng không dám phá giá đồng Đông Dương do sợ phản ứng của lực lượng quân đội viễn chinh Pháp tại Đông Dương. Quân lính Pháp tại Việt Nam nhận lương bằng đồng Đông Dương và chuyển về gia đình tại Pháp sẽ được hưởng tỷ giá chính thức. Nếu tỷ giá đồng Đông Dương được điều chỉnh về thực tế thì thu nhập của họ sẽ sụt giảm mạnh và Chính phủ Pháp sẽ phải chịu gánh nặng chi phí quân sự lớn hơn nếu muốn đảm bảo thu nhập cho quân đội.


1. Còn gọi là Kế hoạch Bourgoin.

2. Còn gọi là Kế hoạch Monnet.

3. Xem Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Sử học, Đinh Thị Thu Cúc (Chủ biên): Lịch sử Việt Nam, Tập 10 (Từ năm 1945 đến năm 1950), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2013, tr.72.

4. Philippe Devillers: Paris - Sài Gòn - Hà Nội (Tài liệu lưu trữ của cuộc chiến tranh 1944 - 1947), Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1993, tr.493.

5. Đặng Phong: 21 năm viện trợ Mỹ ở Việt Nam, Viện Nghiên cứu Khoa học thị trường giá cả, Hà Nội, tr.26.

6. Henri Navarre: Đông Dương hấp hối, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2015, tr.38.

7. Bộ Kinh tế quốc gia (Việt Nam Cộng hòa): Thống kê Niên giám Việt Nam (Quyển thứ nhất: 1949 - 1950), Viện Thống kê và Khảo cứu Kinh tế Việt Nam, Sài Gòn, 1951, tr.131.

Danh mục

Tùy chỉnh