I- BỐI CẢNH LỊCH SỬ, HỆ THỐNG TỔ CHỨC QUẢN NGÀNH CÔNG THƯƠNG

1. Bối cảnh tình hình đất nước chủ trương của Đảng, Nhà nước

2. Hệ thống tổ chức quản

3. Đào tạo phát triển nguồn nhân lực

I- BỐI CẢNH LỊCH SỬ, HỆ THỐNG TỔ CHỨC QUẢN NGÀNH CÔNG THƯƠNG

1. Bối cảnh tình hình đất nước chủ trương của Đảng, Nhà nước

2. Hệ thống tổ chức quản

3. Đào tạo phát triển nguồn nhân lực

CHƯƠNG III: PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP - THƯƠNG MẠI TRONG THỜI KỲ ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ (1995 - 2010)

Tam Đảo 03

Công trình giàn khoan tự nâng 90 m nước Tam Đảo 03 (Ảnh: Petrovietnam)

thủy điện Ialy

Thủy điện Ialy được khởi công xây dựng ngày 01/11/1993 và khánh thành ngày 27/4/2002 (Ảnh: EVN)

dây chuyền lá cách

Dây chuyền sản xuất lá cách của Jungfer (Áo) - Công trình đầu tư đầu tiên của Công ty cổ phần Pin Ắc quy miền Nam (PINACO), năm 1991 (Ảnh: PINACO)

1. Bối cảnh tình hình đất nước và chủ trương của Đảng, Nhà nước

Năm 1995, nền kinh tế Việt Nam đã bước đầu khắc phục được tình trạng trì trệ, suy thoái. Tính bình quân 5 năm 1991 - 1995, hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu đều vượt mức: GDP bình quân tăng 8,2%/năm; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 13,7%/năm; nông nghiệp tăng 4,5%/năm; dịch vụ tăng 12%/năm; tổng sản lượng lương thực đạt 125,4 triệu tấn, tăng 27% so với giai đoạn 1986 - 1990. Nước ta đã vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng và kéo dài hơn 15 năm, tuy còn một số mặt chưa vững chắc, song đã tạo được tiền đề cần thiết để chuyển sang một thời kỳ phát triển mới: đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Sau 10 năm thực hiện công cuộc đổi mới, thế và lực của ta đã có bước phát triển vượt bậc.

Về thế, đất nước ta không còn bị bao vây cấm vận. Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ với Mỹ; khôi phục và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt với Trung Quốc; phát triển quan hệ với các nước trong khu vực, trở thành thành viên đầy đủ của tổ chức ASEAN; từng bước đổi mới quan hệ với Liên bang Nga, các nước trong Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) và các nước Đông Âu; mở rộng quan hệ với các nước công nghiệp phát triển. Đến thời điểm đó, nước ta có quan hệ ngoại giao với hơn 160 nước, có quan hệ buôn bán với trên 100 nước. Các công ty của hơn 50 nước và vùng lãnh thổ đã đầu tư trực tiếp vào nước ta.

Về lực, đất nước bước đầu hình thành một nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước; các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, phát triển công nghiệp và thương mại - dịch vụ đều đạt và vượt mức kế hoạch, gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội. Đời sống vật chất của phần lớn nhân dân được cải thiện. Mỗi năm tăng thêm hơn 1 triệu lao động có việc làm; người lao động được giải phóng khỏi ràng buộc của nhiều cơ chế không hợp lý, phát huy được quyền làm chủ và tính năng động sáng tạo, chủ động hơn trong tìm việc làm, tăng thu nhập. Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được xác định rõ hơn.

Đồng thời, trải qua kinh nghiệm thực tiễn hợp tác với các nước, Việt Nam đã nhận thức đúng đắn triển vọng và xu thế của thời đại với hai mặt cơ bản: Thứ nhất, các quốc gia lớn, nhỏ tham gia ngày càng nhiều vào quá trình hợp tác và liên kết khu vực, liên kết quốc tế về kinh tế, thương mại và nhiều lĩnh vực hoạt động khác. Thứ hai, hợp tác ngày càng tăng nhưng cạnh tranh cũng rất gay gắt; do vậy, mở rộng quan hệ quốc tế được thực hiện trên cơ sở giữ vững độc lập, tự chủ, bình đẳng và cùng có lợi.

Những thành tựu của công cuộc đổi mới đã tạo bầu không khí phấn khởi, tin tưởng trong cả nước hướng về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII diễn ra vào tháng 6/1996. Đại hội khẳng định: “Nhiệm vụ đề ra cho chặng đường đầu của thời kỳ quá độ là chuẩn bị tiền đề cho công nghiệp hóa đã cơ bản hoàn thành cho phép chuyển sang thời kỳ mới đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”1.

Báo cáo Chính trị tại Đại hội nêu rõ: “mục tiêu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa là xây dựng nước ta thành một nước công nghiệp có cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện đại, cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần cao, quốc phòng, an ninh vững chắc, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh”2.

Những nhiệm vụ và mục tiêu chủ yếu của giai đoạn 1996 - 2000 là:

“Đến năm 2000, GDP bình quân đầu người tăng gấp đôi năm 1990. Nhịp độ tăng trưởng GDP bình quân hằng năm đạt khoảng 9 - 10%; sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp khoảng 4,5 - 5%, công nghiệp 14 - 15%, dịch vụ 12 - 13%, xuất khẩu khoảng 28%. Tỷ lệ đầu tư/GDP khoảng 30%. Năm 2000, nông nghiệp chiếm khoảng 19 - 20%, công nghiệp và xây dựng 34 - 35%, dịch vụ 45 - 46% GDP”3.

Nội dung cơ bản của công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong những năm còn lại của thập kỷ 1990 là:

- Đặc biệt coi trọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn; phát triển toàn diện nông, lâm, ngư nghiệp gắn với công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; phát triển công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu.

- Nâng cấp, cải tạo, mở rộng và xây dựng mới có trọng điểm kết cấu hạ tầng kinh tế, trước hết ở những khâu ách tắc và yếu kém nhất đang cản trở sự phát triển.

- Xây dựng có chọn lọc một số cơ sở công nghiệp nặng trọng yếu và hết sức cấp thiết, có điều kiện về vốn, công nghệ, thị trường, phát huy tác dụng nhanh và có hiệu quả cao.

- Mở rộng thương nghiệp, du lịch, dịch vụ. Đẩy mạnh xuất khẩu, coi xuất khẩu là hướng ưu tiên và là trọng điểm của kinh tế đối ngoại. Tạo thêm các mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Nâng sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu trên thị trường. Giảm tỷ trọng sản phẩm thô và sơ chế, tăng tỷ trọng sản phẩm chế biến sâu trong hàng xuất khẩu. Tăng nhanh xuất khẩu dịch vụ. Nâng cao tỷ trọng phần giá trị gia tăng trong giá trị hàng xuất khẩu. Giảm dần nhập siêu, ưu tiên việc nhập khẩu để phát triển sản xuất phục vụ xuất khẩu, hạn chế nhập những hàng tiêu dùng chưa thiết yếu. Có chính sách bảo hộ hợp lý sản xuất trong nước.

- Điều chỉnh cơ cấu thị trường để vừa hội nhập khu vực vừa hội nhập toàn cầu, xử lý đúng đắn lợi ích giữa ta với các đối tác. Chủ động tham gia cộng đồng thương mại thế giới, các diễn đàn, các tổ chức, các định chế quốc tế một cách có chọn lọc, với bước đi thích hợp4.

Sau Đại hội VIII của Đảng, nền kinh tế nước ta lại bước vào một chu kỳ thử thách mới. Năm 1997, cơn bão Linda gây thiệt hại rất nghiêm trọng về người và của. Số người thiệt mạng lên tới 3.111 người, tổng thiệt hại vật chất là 385 triệu USD. Mưa lớn gây lũ lụt đã tàn phá khoảng 200.000 ngôi nhà và khiến khoảng 383.000 người mất nhà cửa. Tổn thất về mùa màng trên diện rộng, việc nuôi trồng, khai thác thủy sản phải mất nhiều năm mới khôi phục lại được, hệ thống đường giao thông bị hư hại đã ảnh hưởng tiêu cực đến giao thương sau này.

Tiếp đến, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997 - 1998, bắt đầu từ Thái Lan rồi ảnh hưởng đến các thị trường chứng khoán, trung tâm tiền tệ lớn, và giá cả của những tài sản khác ở vài nước châu Á. Inđônêxia, Hàn Quốc và Thái Lan là những nước bị ảnh hưởng mạnh nhất. Do bắt đầu mở cửa hội nhập, nên đây là lần đầu tiên Việt Nam đối diện với những tác động dây chuyền từ khủng hoảng kinh tế quốc tế. Tăng trưởng kinh tế bị giảm dần qua các năm từ 9,54% năm 1995, 9,34% năm 1996 và 8,15% năm 1997, đến năm 1998 chỉ còn 5,76%, năm 1999 giảm xuống 4,77%. Đối với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nếu năm 1996 đạt gần 10,2 tỉ USD, thì từ năm 1997 bị giảm liên tục, đến năm 1999 chỉ còn gần 2,6 tỉ USD.

Lạm phát năm 1998 lên mức 9,2%. Giá USD năm 1997 tăng 14,2%, năm 1998 tăng 9,65%. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu giảm từ 33,2% năm 1996 xuống còn 26,6% năm 1997, và giảm mạnh còn 1,9% năm 1998. Nhập khẩu cũng từ mức tăng 36,6% năm 1996, liên tục giảm trong 3 năm 1997, 1998, 1999 xuống còn 4%, 0,8% và 2,1%5.

Trên cơ sở phân tích đúng đắn những thuận lợi cũng như khó khăn, thách thức mới do bối cảnh quốc tế, khu vực ảnh hưởng đến kinh tế nước ta, tháng 12/1997, Hội nghị Trung ương 8 khóa VIII đã nêu cao tinh thần phát huy nội lực, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và điều chỉnh cơ cấu đầu tư theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Nhờ vậy, đến năm 2000, kinh tế tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trong nước (GDP) giai đoạn 1996 - 2000 tăng bình quân 7%/năm. Giá trị sản xuất công nghiệp bình quân tăng 13,9%/năm, trong đó công nghiệp quốc doanh tăng 9,5%, công nghiệp ngoài quốc doanh tăng 11,5%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 21,8%. Thương mại quốc doanh được sắp xếp lại theo hướng nắm bán buôn, tham gia kinh doanh bán lẻ đối với một số mặt hàng thiết yếu, mạng lưới trao đổi hàng hóa với nông thôn, miền núi bước đầu được tổ chức lại, tổng mức hàng hóa bán lẻ tăng bình quân 6,2%/năm (đã loại trừ yếu tố biến động giá). Tổng kim ngạch xuất khẩu 5 năm đạt trên 51,6 tỉ USD, tăng bình quân trên 21%/năm, gấp 3 lần mức tăng GDP, khối lượng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều tăng khá, năm 2000, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 184 USD/người, tăng gấp 2 lần năm 1995 (96,8 USD/người), tuy còn ở mức thấp, nhưng đã thuộc nhóm các nước có nền ngoại thương phát triển.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX được tổ chức tại Hà Nội, (tháng 4/2001) đã xác định đường lối kinh tế của Đảng là: “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp; ưu tiên phát triển lực lượng sản xuất, đồng thời xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp theo định hướng xã hội chủ nghĩa”6. Đại hội khẳng định, trong phát triển kinh tế, lấy công nghiệp hóa, hiện đại hóa là nhiệm vụ trung tâm. “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phải bảo đảm xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, trước hết là độc lập tự chủ về đường lối, chính sách, đồng thời có tiềm lực kinh tế đủ mạnh: có mức tích lũy ngày càng cao từ nội bộ nền kinh tế; có cơ cấu kinh tế hợp lý, có sức cạnh tranh; kết cấu hạ tầng ngày càng hiện đại và có một số ngành công nghiệp nặng then chốt; có năng lực nội sinh về khoa học và công nghệ; giữ vững ổn định kinh tế - tài chính vĩ mô; bảo đảm an ninh lương thực, an toàn năng lượng, tài chính, môi trường... Xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ đi đôi với chủ động hội nhập kinh tế quốc tế; kết hợp nội lực với ngoại lực thành nguồn lực tổng hợp để phát triển đất nước”7.

Ngay trong năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội IX của Đảng, tình hình địa chính trị thế giới bước vào một giai đoạn phức tạp mới, xuất phát từ cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 tại Mỹ, cùng với cuộc khủng hoảng chu kỳ, đã tác động đến nền kinh tế Việt Nam. Giá vàng tăng cao liên tục và tăng trong thời gian dài (từ năm 2001 đến tháng 7/2008 đã cao gấp trên 3,8 lần), kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2001 chỉ tăng 3,8%... Nhưng với phương châm đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại và chủ động hội nhập quốc tế, nền kinh tế Việt Nam không những đã vượt qua những tác động của khủng hoảng mà còn đạt nhiều kết quả tích cực. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm sau tăng cao hơn năm trước, bình quân trong 5 năm 2001 - 2005 là 7,51%, đạt mức kế hoạch đề ra. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đến năm 2005, tỷ trọng giá trị nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp trong GDP đạt 20,9% (kế hoạch đề ra 20 - 21%), công nghiệp và xây dựng đạt 41% (kế hoạch đề ra 38 - 39%). Xuất khẩu sau khi tăng trưởng chậm, chỉ 3,8% năm 2001 đã tăng trưởng mạnh, ở mức hai con số trong 4 năm còn lại: 11,2% năm 2002, 20,6% năm 2003, 31,4% năm 2004 và 22,5% năm 20058. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong nền kinh tế quốc dân. Năm 2005 đạt trên 480 nghìn tỉ đồng, tăng gấp 2 lần so với 245 nghìn tỉ đồng năm 20019.

Trên cơ sở dự báo toàn cầu hóa kinh tế tạo ra cơ hội phát triển nhưng cũng chứa đựng nhiều yếu tố bất bình đẳng, gây khó khăn, thách thức lớn cho các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển; cạnh tranh kinh tế - thương mại, giành giật các nguồn tài nguyên, năng lượng, thị trường, nguồn vốn, công nghệ... giữa các nước ngày càng gay gắt. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X được tổ chức từ ngày 18 đến ngày 25/4/2006 tại Hà Nội đã xác định: “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức”10; trong đó, “khuyến khích phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế tác, công nghiệp phần mềm và công nghiệp bổ trợ có lợi thế cạnh tranh, tạo nhiều sản phẩm xuất khẩu và thu hút nhiều lao động; phát triển một số khu kinh tế mở và đặc khu kinh tế, nâng cao hiệu quả của các khu công nghiệp, khu chế xuất”11. Đồng thời, “tập trung nguồn lực phát triển mạnh và nâng cao chất lượng các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, tạo ra sản phẩm xuất khẩu và thu hút nhiều lao động, như: chế biến nông, lâm, thủy sản; may mặc, giày dép, đồ nhựa, đồ gỗ gia dụng; cơ khí đóng tàu, công nghiệp chế tạo thiết bị đồng bộ, thiết bị điện, thiết bị xây dựng, máy nông nghiệp, phương tiện giao thông, sản xuất và lắp ráp cơ - điện tử; công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ thông tin, sản xuất phần mềm. Nâng tỷ trọng sản phẩm công nghiệp xuất khẩu đã qua chế biến. Chú trọng phát triển công nghiệp năng lượng đi đôi với áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng; công nghiệp vật liệu và công nghệ tiết kiệm nguyên vật liệu; công nghiệp dược và các chế phẩm sinh học; công nghiệp bảo vệ môi trường”12.

Trong thương mại, “ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ có tiềm năng lớn và sức cạnh tranh cao. Tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ truyền thống, như: vận tải, thương mại, du lịch, ngân hàng, bưu chính - viễn thông. Phát triển mạnh các dịch vụ phục vụ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, phục vụ đời sống ở nông thôn. Mở rộng các dịch vụ mới, nhất là những dịch vụ cao cấp, dịch vụ có hàm lượng trí tuệ cao, dịch vụ hỗ trợ kinh doanh”13.

Trong hội nhập quốc tế, “chủ động, tích cực hội nhập kinh tế sâu hơn và đầy đủ hơn với khu vực và thế giới. Thực hiện có hiệu quả các cam kết với các nước, các tổ chức quốc tế về thương mại, đầu tư, dịch vụ và các lĩnh vực khác. Thực hiện các cam kết của Khu vực mậu dịch tự do ASEAN và tích cực tham gia quá trình xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN. Chuẩn bị tốt các điều kiện để bảo đảm thực hiện các cam kết khi nước ta gia nhập WTO”14. Tận dụng điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, chủ động và khẩn trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới công nghệ và quản lý, phát huy lợi thế so sánh, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, của sản phẩm và dịch vụ Việt Nam tại thị trường trong nước và trên thế giới.

Đẩy nhanh xuất khẩu, chủ động về nhập khẩu, kiềm chế và thu hẹp dần nhập siêu; phấn đấu tăng nhanh tỷ trọng xuất khẩu các sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao, giàu hàm lượng công nghệ, có sức cạnh tranh, tạo thêm các sản phẩm xuất khẩu chủ lực mới, hết sức hạn chế và tiến tới chấm dứt xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên và nông sản chưa qua chế biến. Củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo thị trường ổn định cho các mặt hàng có khả năng cạnh tranh; tăng thêm thị phần ở các thị trường lớn và khai mở các thị trường còn nhiều tiềm năng.

Trong giai đoạn này, mô hình phát triển được xác định là xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong phương thức quản lý, chuyển từ các chính sách can thiệp trực tiếp sang xây dựng khung khổ thể chế phù hợp và tạo điều kiện cần thiết để bảo đảm các thành phần kinh tế đều được khuyến khích phát triển lâu dài, hợp tác, cạnh tranh lành mạnh; đi đôi với kiểm soát chặt chẽ và giảm thiểu tác động tiêu cực của cơ chế thị trường dẫn đến bất bình đẳng trong tiếp cận cơ hội và hưởng lợi các thành quả của tăng trưởng.

Những dấu mốc trong tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ

- Ngày 29/9/1990: Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch gặp Ngoại trưởng Mỹ James Baker tại New York.

- Ngày 09/4/1991: Chính phủ Mỹ đề xuất với Chính phủ Việt Nam “Lộ trình 4 bước” bình thường hóa quan hệ.

- Ngày 11/11/1991: Chính phủ Mỹ chính thức cho phép khách du lịch, cựu chiến binh, nhà báo, doanh nhân Mỹ thăm Việt Nam.

- Ngày 14/12/1992: Tổng thống Mỹ George H.W. Bush cho phép các công ty của Mỹ có thể mở văn phòng đại diện tại Việt Nam và ký các hợp đồng sau khi lệnh cấm vận thương mại được bãi bỏ.

- Ngày 25/4/1993: Công ty Tư vấn Vatico, công ty của Mỹ đầu tiên mở văn phòng tại Việt Nam.

- Ngày 02/7/1993: Tổng thống Mỹ Bill Clinton ủy quyền cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế tái tài trợ cho Việt Nam 140 triệu USD, mở đường cho việc các tổ chức quốc tế hỗ trợ tài chính cho Việt Nam.

- Ngày 14/9/1993: Tổng thống Mỹ Bill Clinton cho phép các công ty của Mỹ tham dự vào một số dự án phát triển được quốc tế tài trợ tại Việt Nam.

- Ngày 03/02/1994: Tổng thống Mỹ Bill Clinton thông báo quyết định bãi bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam.

- Ngày 28/01/1995: Hai nước mở Văn phòng liên lạc.

- Ngày 11/7/1995: Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt thông báo quyết định bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

- Ngày 05/8/1995: Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Warren Christopher khánh thành Tòa Đại sứ Mỹ tại Hà Nội. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của một ngoại trưởng Mỹ.

- Tháng 5/1997: Hai nước trao đổi Đại sứ: ông Lê Văn Bàng trở thành Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Mỹ và ông Douglas Peterson trở thành Đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam.

- Ngày 11/3/1998: Tổng thống Mỹ Bill Clinton quyết định bãi bỏ áp dụng điều khoản Jackson - Vanik đối với Việt Nam.

Nguồn: Tổng hợp từ website Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ.


1, 2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.55, tr.356, 366.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.55, tr.368.

4. Xem Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.55, tr.368-375.

5. Cổng thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: “Việt Nam vượt qua 3 cuộc khủng hoảng”, 2008

6, 7. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.60, tr.183, 184-185.

8, 9. Xem Tổng cục Thống kê: Số liệu thống kê Việt Nam 15 năm đầu thế kỷ XXI, Nxb. Thống kê, Hà Nội, 2016, tr.769, 755.

10, 11. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.65, tr.147, 148.

12, 13, 14. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.65, tr.273, 276, 278.

Danh mục

Tùy chỉnh