IV. SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP (19/12/1946 - 10/10/1954)

xưởng may quân trang Xưởng may quân trang Chiến khu Việt Bắc năm 1946 (Ảnh: Thông tấn Việt Nam) cơ khí Trần Hưng Đạo Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Nhà máy khí Trần Hưng Đạo trên chiến khu Việt Bắc (Ảnh: Thông tấn Việt Nam)

IV. SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP (19/12/1946 - 10/10/1954)

xưởng may quân trang Xưởng may quân trang Chiến khu Việt Bắc năm 1946 (Ảnh: Thông tấn Việt Nam) cơ khí Trần Hưng Đạo Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Nhà máy khí Trần Hưng Đạo trên chiến khu Việt Bắc (Ảnh: Thông tấn Việt Nam)

3. Sự phục hồi của giao thông - liên lạc

Phục hồi giao thông vận tải và hệ thống liên lạc vốn chịu hư hỏng nghiêm trọng trong chiến tranh là một trong những công việc ưu tiên hàng đầu của Chính phủ nhằm thúc đẩy sự phục hồi kinh tế - xã hội. Công việc sửa chữa được tiến hành khẩn trương. Trong điều kiện khó khăn về tài chính và nguồn lực, chỉ sau một tháng, đến giữa tháng 9/1945, hoạt động vận chuyển trên tuyến đường sắt Bắc - Nam đã được khôi phục thông suốt, chỉ còn phải hạ tải tại các cầu Ninh Bình, Đò Lèn, Đò Cấm và Yên Xuân1.

Tuy nhiên, chỉ bốn tháng sau, cầu Yên Xuân dài 420 m và cầu Ninh Bình dài 203 m vốn có kết cấu phức tạp đã được sửa chữa xong. Đồng thời, hàng loạt đầu máy và toa tàu được sửa chữa, đưa vào hoạt động trở lại. Nhiều tuyến đường bộ quan trọng nối các vùng, miền như tuyến Hà Nội - Ninh Bình và Hà Nội - Hải Phòng được sửa chữa, trải nhựa lại và mở rộng, rút ngắn đáng kể thời gian vận chuyển hàng hóa và hỗ trợ hàng hóa lưu thông thuận tiện trong cả nước, đặc biệt góp phần giải quyết tình trạng thiếu lương thực tại Bắc Bộ và thiếu hàng tiêu dùng tại Nam Bộ.

Đối với hệ thống thông tin liên lạc, phần lớn hệ thống đường dây điện tín và điện thoại trước đây do quân đội phátxít Nhật quản lý và đã bị phá hủy nhiều khi lực lượng này đầu hàng. Tuy nhiên, chỉ sau một tuần kể từ ngày cách mạng thành công, hệ thống điện tín - điện thoại giữa Hà Nội với Sài Gòn đã hoạt động bình thường. Đến cuối tháng 8/1945, phần lớn các tỉnh, thành phố đã liên lạc được với chính quyền trung ương tại Hà Nội.


1. Báo Cứu quốc, ngày 14/9/1945, tr.2.

1. Tình hình sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp

Từ tháng 3/1946, Chính phủ đã bí mật di chuyển dần các máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu... ở Hà Nội về các tỉnh lân cận để chuẩn bị cho công cuộc kháng chiến. Khi toàn quốc kháng chiến bùng nổ, việc tổng di chuyển trên cả nước được phát động, nhằm đem tất cả những gì có thể được lên các căn cứ để trường kỳ kháng chiến. Phần lớn các cơ sở sản xuất từ Hà Nội đã sơ tán ra vùng lân cận, nay di chuyển tiếp lên các chiến khu.

Tính đến tháng 3/1947, đã có gần 40.000 tấn máy móc, vật tư sản xuất của các ngành được lực lượng cán bộ, công nhân vận chuyển an toàn, chủ yếu bằng sức người và phương tiện thô sơ như bè mảng, ngựa thồ, xe trâu... về các khu căn cứ kháng chiến. Riêng Bắc Bộ, gần 2/3 số máy móc các xí nghiệp được chuyển lên căn cứ. Đây là nguồn lực vô cùng quan trọng trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến, giúp hình thành 57 cơ sở sản xuất hoạt động ngay khi kháng chiến toàn quốc nổ ra1, góp phần xây dựng nền kinh tế kháng chiến vững mạnh.

a) Sản xuất công nghiệp dân dụng

Với đặc điểm đại đa số các vùng tự do là khu vực nông thôn, rừng núi hiểm trở và trình độ sản xuất lạc hậu, nay lại bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, khốc liệt, nền công nghiệp tại vùng tự do trong những ngày đầu kháng chiến có quy mô nhỏ, phân tán, mang tính cơ động cao nhằm tránh sự càn quét của địch. Điển hình, việc đặt máy công cụ thường không đổ móng cố định mà chỉ bắt bulông trên khung gỗ để có thể nhanh chóng tháo lắp, di chuyển khi địch càn quét. Nhà xưởng thường bằng gỗ, tre, nứa, lá. Thậm chí, một số khu vực tại Nam Bộ, các xưởng nhỏ còn được đặt trên ghe, thuyền.

xưởng may quân trang Xưởng may quân trang ở Chiến khu Việt Bắc năm 1946 (Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam)

Nhờ xây dựng xưởng theo phương châm trên, nên khi bị địch tiến công, các xưởng lại được di chuyển đến vị trí mới, mọi hoạt động sản xuất của xưởng lại nhanh chóng được triển khai. Cách tổ chức này còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc tận dụng tối đa tài nguyên và nhân lực tại mỗi địa phương. Nhờ kết hợp sáng tạo nhiều biện pháp, trong suốt cuộc kháng chiến, tuy địch dùng nhiều thủ đoạn nhưng vẫn không đạt được mục tiêu phá hủy hoạt động sản xuất của lực lượng kháng chiến. Xuyên suốt cuộc kháng chiến, hoạt động sản xuất công nghiệp của ta chỉ tập trung vào những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế thời chiến, gồm cơ khí, khai thác than, hóa chất cơ bản, dệt may và giấy.

Đối với ngành cơ khí, đây là lĩnh vực được quan tâm phát triển hàng đầu trong số các ngành công nghiệp thời kỳ này, nhằm vừa đáp ứng nhu cầu sản xuất, sửa chữa vũ khí chống lại thực dân Pháp, vừa đáp ứng nhu cầu của các lĩnh vực công nghiệp khác. Các xưởng cơ khí được thiết lập tại tất cả các địa phương trong vùng tự do, đặc biệt là tại vùng Việt Bắc, sử dụng kết hợp cả các phương pháp thủ công lẫn hiện đại.

Để tổ chức sản xuất, các xưởng trước hết phải giải quyết được vấn đề thiếu máy móc, nhất là máy phát điện. Đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật đã tìm tòi nghiên cứu, cải tạo những bộ phận của đầu máy xe lửa, động cơ ôtô đủ các loại, thành máy phát điện cho các máy công cụ lớn. Ngoài ra, các xưởng còn triệt để tận dụng các loại máy phát điện quay tay, đạp chân. Để giải quyết vấn đề thiếu máy công cụ, ta tận dụng tối đa các loại máy cũ, sửa chữa máy hỏng thành máy tốt và tích cực tìm cách chế tạo các loại máy mới.

Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo ra đời ở Việt Bắc

Ông Nguyễn Nhân, sinh năm 1914, người Thái Bình. Khi còn trẻ, ông vào học nghề cơ khí của Trường Bách nghệ Máy Tơ, Hải Phòng. Ra trường, đi làm và bươn chải cuộc sống, ông về Hà Nội lập xí nghiệp cơ khí mang tên Nguyễn Nhân tại phố Hàng Bột (Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa ngày nay) với vài chục công nhân. Đang làm ăn phát đạt thì toàn quốc kháng chiến năm 1946 nên ông đã cho tháo toàn bộ máy móc chở thuyền về Thái Bình để tính chuyện sau.

Một thời gian nghe tin có anh bạn cùng lớp Máy Tơ năm xưa nay đang làm Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ nên ông đạp xe lên đó mò mẫm tìm gặp để bàn chuyện tiếp tục làm nghề cơ khí. Hai người đã đạp xe đi tìm ông Nguyễn Lương Bằng lúc này đang đảm trách Trưởng Ban Kinh tài của Đảng để xin ý kiến.

Gặp được ông Bằng, ông nhận được gợi ý nên cho chuyển máy lên góp với một số người khác cùng nghề để xây dựng một nhà máy cơ khí trên chiến khu sản xuất một số sản phẩm để chống giặc mà ta đang cần, ông Nguyễn Lương Bằng hỏi thân tình: Thế anh Nhân định sẽ theo kháng chiến đến khi nào? - Dạ. Đến khi hết giặc ạ! - Vậy thì tốt. Ta cùng nhau bắt tay làm cơ khí nhé. Nhiều khó khăn đấy”.

Thế là ông chủ xưởng cơ khí Nguyễn Nhân quay về Thái Bình để lại vợ cùng 3 con và bỏ tiền thuê thuyền chở tất cả máy móc lên Chiêm Hóa, Tuyên Quang để góp với một số chủ xưởng, gara cơ khí khác lập nên Nhà máy Cơ khí mang tên Trần Hưng Đạo do chính ông Nguyễn Lương Bằng đặt và cử ông Nguyễn Nhân làm Giám đốc.

Nguồn: Đào Phan Long: “Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo ra đời ở Việt Bắc”,

Tạp chí Cơ khí và Đời sống, 2021.

Trong sản xuất, việc rèn các chi tiết lớn thường dùng búa tay, lò đúc gang thủ công cho lượng đúc mỗi mẻ 30 - 50 kg, quạt gió thì dùng guồng quay tay hoặc đạp chân. Một số xưởng cơ khí lớn, quan trọng đều có các máy công cụ hiện đại như máy tiện, phay, bào, khoan, dập...

cơ khí Trần Hưng Đạo Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo trên chiến khu Việt Bắc (Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam)

Khó khăn về thiếu cán bộ, công nhân kỹ thuật được giải quyết bằng cách vừa học chuyên môn, vừa thực hành trong sản xuất, người biết kèm người chưa biết, tổ chức các lớp huấn luyện cấp tốc ngắn ngày và buổi trao đổi kinh nghiệm, phát động phong trào “kèm cặp thợ trẻ”... Từ chỗ không biết kỹ thuật, công nhân đã nắm vững kỹ thuật thao tác, vận hành máy với hiệu quả cao. Công nhân đã có nhiều sáng kiến kỹ thuật độc đáo. Điển hình, ngay đầu năm 1947, cơ xưởng đúc gang thuộc Sở Khoáng chất và Kỹ nghệ Trung Bộ đã chế tạo thành công một máy tiện nhỏ từ các bộ phận tự chế tạo.

Dần dần, ta đã tự sản xuất được nhiều loại máy móc như: máy cán bông, máy đan áo, máy in quay tay... Đặc biệt, Liên khu V đã chế tạo thành công máy xát sắn có công suất tới 1 tấn/ngày, máy xay xát gạo, động cơ loại nhỏ dung tích 1 xilanh. Các xưởng cơ khí cũng cung cấp đa dạng loại nông cụ như cuốc, xẻng, lưỡi cày... có chất lượng tốt với số lượng lớn, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo lương thực cho vùng tự do.

Trong các cơ sở sản xuất, Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo tại Chiêm Hóa (Tuyên Quang) thành lập tháng 4/1947, được xem là cái nôi của ngành cơ khí Việt Nam. Trong hai năm 1947 - 1948, khi các xí nghiệp quân giới thuộc Bộ Quốc phòng còn thiếu nhiều phương tiện sản xuất, thì nhà máy đã hỗ trợ đắc lực bằng ba loại sản phẩm cơ khí: máy dập đầu đạn AT, máy trộn thuốc đạn và máy tiện cỡ nhỏ. Các loại máy này đều được thiết kế nhỏ gọn, dễ tháo lắp, di chuyển thuận lợi trong điều kiện rừng núi. Từ năm 1949, hoạt động của nhà máy được mở rộng, kiêm thêm nhiệm vụ sửa chữa và chế tạo các loại máy như: máy phát điện, máy kéo sợi, máy cán bông, máy in... phục vụ công nghiệp dân dụng, giúp mở rộng hoạt động của nhiều đơn vị quan trọng như Đài Tiếng nói Việt Nam, Nhà in báo Sự Thật, Xưởng giấy Lửa Việt, Xưởng gốm sứ Sông Lô... Liên khu III, Liên khu IV cũng vận chuyển máy ra Việt Bắc để nhà máy sửa chữa. Từ năm 1947 đến năm 1952, nhà máy đặt dưới sự quản lý trực tiếp của Ban Kinh tế tài chính Trung ương. Đến năm 1952, nhà máy được chuyển sang hệ thống quản lý nhà nước, do Nha Kỹ nghệ thuộc Bộ Công Thương trực tiếp điều hành.

Đối với hoạt động khai khoáng, dù trong điều kiện hết sức thiếu thốn máy móc, không có hệ thống điện quy mô lớn, địch tấn công ác liệt, phải khai thác chủ yếu bằng phương pháp thủ công, Bộ Kinh tế vẫn cố gắng phục hồi, đưa vào hoạt động trở lại những mỏ nằm trong vùng tự do mà thực dân Pháp đã khai thác trước đây và tổ chức khai thác mới nhiều nhất có thể đối với các mỏ khoáng sản khai thác được.

Trong đó, các mỏ than được ưu tiên khôi phục, mở rộng khai thác đầu tiên, điển hình là các mỏ: Làng Cẩm, Quán Triều, Tân Thành (Thái Nguyên), Khe Bố (Nghệ An), Nông Sơn (Quảng Nam)... Nha Khoáng chất Kỹ nghệ2 trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động khai thác của các mỏ. Đáng chú ý, đầu năm 1949, bốn mỏ than, gồm Phấn Mễ, Minh Khai, Đầm Đùn và Khe Bố đã được tổ chức lại, trở thành những đơn vị công nghiệp nhà nước đầu tiên trong chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bên cạnh việc khai thác than thô, một số đơn vị đã tổ chức sản xuất thành công than cốc - nguyên liệu đầu vào quan trọng cho hoạt động luyện kim. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 1946 đến năm 1950, các mỏ than do ta kiểm soát đã khai thác được 20.000 tấn than và than cốc. Từ năm 1951 trở đi, hoạt động khai thác tại nhiều mỏ được đẩy mạnh. Sản lượng tại mỏ Làng Cẩm đạt 150 tấn/tháng, mỏ Tân Thành đạt 150 tấn/tháng; các mỏ khác đạt trên dưới 100 tấn/tháng. Sản lượng khai thác than trong giai đoạn này tuy không cao nhưng đóng vai trò rất quan trọng đối với hoạt động sản xuất vũ khí của ngành quân giới và công nghiệp cơ khí trong những ngày đầu kháng chiến.

Các mỏ khai thác quặng kim loại cũng được sớm đưa vào hoạt động, trong đó, mỏ antimon Cốc Táy, Đầm Hồng (Tuyên Quang) từ năm 1946; mỏ thiếc Tĩnh Túc (Cao Bằng) từ đầu năm 1947, nhưng phải ngưng hoạt động vào cuối năm đó do thực dân Pháp mở rộng chiến tranh. Đến trước năm 1950, sản lượng khai thác quặng kim loại tại vùng tự do gần như không đáng kể và hầu hết được cung ứng cho các xưởng quân giới để sản xuất vũ khí. Sau thắng lợi của Chiến dịch Biên giới thu đông năm 1950, nhiều mỏ khai khoáng quan trọng, quy mô lớn vốn nằm trong vùng tạm bị địch chiếm đã được giải phóng và hoạt động khai thác được triển khai trở lại như mỏ thiếc Tĩnh Túc, mỏ chì - kẽm Chợ Đồn (Bắc Kạn), mỏ apatít (Lào Cai)..., giúp gia tăng đáng kể sản lượng khai thác quặng kim loại phục vụ các hoạt động sản xuất vũ khí, phát triển công nghiệp.

Bên cạnh đó, Nha Kỹ nghệ cũng tổ chức các đoàn công tác để điều tra, lập bản đồ tài nguyên khoáng sản phục vụ công tác quy hoạch và mở rộng khai thác khi điều kiện cho phép.

Đối với sản xuất hóa chất, hoạt động sản xuất hóa chất được khuyến khích phát triển tại tất cả các khu vực, vùng tự do, nhằm phục vụ trước hết cho công nghiệp quốc phòng, tiếp đến là phục vụ hoạt động sản xuất công nghiệp và nông nghiệp. Vượt qua các khó khăn do chiến tranh gây ra, các xưởng hóa chất quy mô nhỏ đã được thiết lập và sản xuất thành công nhiều loại hóa chất cơ bản, thiết yếu như: axít sunfuríc được sản xuất theo phương pháp bể chì; kali nitrat được điều chế từ phân dơi; chiết tách glyxêrin từ thảo mộc; điều chế hỗn hợp thủy ngân fulminat, sản xuất kali clorat... Qua đó, tạo nguồn nguyên liệu đầu vào quan trọng, cho phép sản xuất quy mô lớn thuốc nổ các loại, ngòi nổ, phân bón, ắc quy, thuốc nhuộm cho vải, diêm, mực in... Đặc biệt, việc sản xuất thành công một số loại hóa chất như cồn 90 độ, este gây tê... đã góp phần đắc lực trong việc cứu sống nhiều thương, bệnh binh trên chiến trường. Các loại hóa chất mà vùng tự do không thể sản xuất được, buộc phải tổ chức thu mua bí mật từ vùng tạm bị địch chiếm. Các sản phẩm hóa chất cũng là loại hàng hóa bị địch kiểm soát mua bán gắt gao.

Đối với hoạt động dệt may, tương tự như các xưởng hóa chất, các xưởng dệt may và xưởng nhuộm được thiết lập tại hầu hết các tỉnh, các khu nhằm đáp ứng nhu cầu quân nhu của bộ đội cũng như nhu cầu dân sinh. Trong đó, lớn nhất là các xưởng dệt phục vụ bộ đội với số lượng công nhân lên đến hàng trăm người, còn những xưởng nhỏ hơn có số công nhân từ 50 - 100 người. Đa số các xưởng đều sử dụng khung dệt thủ công, chỉ một số ít xưởng được trang bị máy cơ khí hiện đại. Sợi phần lớn được lấy từ bông trồng ngay tại chính các địa phương, chỉ những khu vực thiếu sợi mới phải tìm thu mua từ vùng tạm bị địch chiếm. Sản phẩm dệt may của các xưởng cũng rất đa dạng, từ vải thô các loại đến quần áo thành phẩm.

Trong đó, Liên khu V nổi tiếng với việc sản xuất được loại vải sita, có độ bền, mịn và mềm không thua kém vải của các xưởng dệt nằm trong vùng tạm bị địch chiếm. Từ năm 1950 trở đi, ngành dệt trong vùng tự do đã đảm bảo cung cấp đầy đủ quân tư trang cho lực lượng vũ trang, giúp cải thiện đáng kể sinh hoạt của các chiến sĩ. Trong những năm cuối cuộc kháng chiến, một số xưởng dệt may - nhuộm đã được mở rộng, hình thành các doanh nghiệp quốc doanh tham gia phát triển tài chính cho chính quyền cách mạng địa phương.

may quân trang Các xưởng may quân trang tại Chiến khu Việt Bắc được hợp nhất thành Xưởng may 10 năm 1952 (Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam)

bảng 13

Phong trào “tự lực, tự cường” ở Tam Kỳ

Suốt giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp, vùng đất Tam Kỳ (Quảng Nam) thuộc vùng tự do. Vì thế, khi Đảng và Chính phủ kêu gọi nhân dân “tự lực, tự cường”, khắc phục các khó khăn để phục vụ công cuộc kháng chiến thì phong trào ở Tam Kỳ dấy lên mạnh mẽ. Trong đó, bà Trần Thị Khương (hay còn gọi là bà Tân) tại làng An Phú (nay là phường An Phú, thành phố Tam Kỳ) đã đứng ra xây dựng xưởng dệt đầu tiên ở Tam Kỳ từ cuối năm 1946. Bà tìm mua bông hạt về trồng tại địa phương để tạo nguồn nguyên liệu, thuê thêm nhân công để mở rộng sản xuất và phổ biến kỹ thuật cho nhiều người. Khi bắt đầu có thành phẩm, mọi người đều gọi bằng cái tên thân mật: Vải sita bà Tân.

Tại sao lại là vải sita? Bởi trong những thập niên đầu của thế kỷ XX, người Pháp đã mở Công ty Vải sợi Trung Kỳ - Société Industrielle de Textile d’ Annam, viết tắt thành S.I.T.A, từ đó, dân ta đọc chệch thành “vải sita”. Loại vải được dệt ở Tam Kỳ cũng có độ bền và bóng mịn không kém chất lượng vải Pháp này.

Từ xưởng dệt đầu tiên này, đến giữa năm 1947, hầu như khu vực nào tại Tam Kỳ cũng có cơ sở dệt vải. Nghề trồng bông, trồng dâu nuôi tằm, kéo sợi cũng nhờ đó phát triển theo. Không chỉ giúp nhân dân trong vùng có “của ăn, của để”, mà còn giúp các cơ sở dệt chủ động được nguồn nguyên liệu.

Vải sita bà Tân được Công ty Việt Thắng (hoạt động buôn bán nhằm phục vụ kháng chiến) đặt hàng để cung cấp cho cán bộ, chiến sĩ của Liên khu V. Công ty Việt Thắng chỉ yêu cầu bà Tân nhuộm vải có màu tro xám, để trang bị riêng cho bộ đội... Cán bộ, chiến sĩ Liên khu V thời ấy đều được trang bị quân phục, võng, xắccốt, chăn đắp... bằng vải sita. Đây là loại vải dày mịn, rất bền chắc và tiện lợi cho sinh hoạt của người lính ngoài tiền tuyến. Bởi thế, bộ đội Liên khu V thời kỳ này được đánh giá là lính ăn mặc “sang” nhất trong đội ngũ “Vệ quốc đoàn”.

Đối với sản xuất giấy, mặt hàng giấy đóng vai trò đặc biệt trong thời kỳ này. Không chỉ phục vụ cho việc học tập, sinh hoạt của người dân, quản lý của cơ quan nhà nước, mà còn để in tiền - vũ khí đặc biệt của ta trên mặt trận kinh tế. Tất cả các khu, vùng tự do đều có xưởng sản xuất giấy, phần lớn sản xuất bằng phương pháp thủ công truyền thống.

Tại phía Bắc, những người dân vùng Bưởi (Hà Nội) vốn nổi tiếng với kỹ thuật làm giấy dó khi tản cư theo kháng chiến đã được huy động thiết lập các xưởng sản xuất giấy. Những người thợ lành nghề đã tận dụng triệt để nguồn nguyên liệu địa phương, tự chế tạo dụng cụ để sản xuất giấy. Mặc dù chất lượng giấy của ta chưa bằng các sản phẩm của vùng tạm bị địch chiếm, song đã đáp ứng tốt nhu cầu của nhân dân và các cơ quan nhà nước. Các sản phẩm giấy in, giấy viết đã góp phần quan trọng trong việc đẩy lùi “giặc dốt” tại vùng tự do. Đáng chú ý, Nhà máy Giấy Hoàng Văn Thụ, tiền thân là Nhà máy Giấy Đáp Cầu, là cơ sở sản xuất giấy quan trọng nhất của ta thời kỳ này có 6 chi nhánh đặt tại các tỉnh phía Bắc, với các tên gọi: Toàn Dân, Việt Nam, Cộng Hòa, Độc Lập, Tự Do và Hạnh Phúc; trong đó, chi nhánh Việt Nam đặt tại Định Hóa (Tuyên Quang) là cơ sở lớn nhất. Các sản phẩm của nhà máy chủ yếu phục vụ cho các cơ quan của Trung ương Đảng, Chính phủ, quân đội và các cơ sở in ấn văn hóa phẩm, báo chí. Đặc biệt, từ tháng 01/1948, đội ngũ cán bộ, công nhân nhà máy đã sáng tạo, khắc phục khó khăn kỹ thuật để tạo ra loại giấy dai đặc biệt từ cây dó rừng, chuyên phục vụ cho việc in tiền. Ngoài ra, một số cơ sở sản xuất giấy tại Phú Thọ, Thanh Hóa, Ninh Bình đã sản xuất được cả giấy Pelure cán mỏng, nhiều màu, chuyên phục vụ để đánh máy.

Sau chiến thắng Biên giới thu đông năm 1950, hoạt động công nghiệp tại các vùng tự do được mở rộng hơn cả về quy mô và lĩnh vực sản xuất. Ngành luyện kim đã chính thức được hình thành với việc sản xuất thành công gang theo phương pháp lò cao vào cuối năm 1951, giúp nền công nghiệp Việt Nam đạt bước tiến mới trong việc tự chủ nguyên liệu, vật liệu chế tạo. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất hàng hóa dân sinh theo quy mô công nghiệp như xà phòng, diêm, dầu ăn, thuốc lá... dần hình thành cũng góp phần tích cực phục vụ đời sống nhân dân tại vùng tự do.

Lò cao NX3 - cái nôi của ngành luyện kim

Vào năm 1948, nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất vũ khí khi cuộc kháng chiến ngày càng khốc liệt, Cục Quân giới (Bộ Quốc phòng) đã đề nghị kỹ sư Võ Quý Huân, một trí thức kiều bào theo Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước khi Người sang thăm Pháp vào năm 1946, nghiên cứu thiết kế, xây dựng lò cao luyện gang - một công nghệ khá khó tại thời điểm này. Ngày 15/11/1948, lò cao thí nghiệm có dung tích 0,5 m3 tại huyện Con Cuông (Nghệ An) đã cho ra mẻ gang đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đánh dấu mốc son phát triển công nghiệp luyện kim của nước ta.

Dựa trên kinh nghiệm của lò cao thí nghiệm này, đặc phái viên của Cục Quân giới (Bộ Quốc phòng) Trịnh Tam Tỉnh tập hợp đội ngũ kỹ sư, cán bộ kỹ thuật trình độ cao như kỹ sư Trịnh Vân Yên, kỹ sư Đặng Trần Cảnh và kỹ sư Lương Ngọc Khuê đã hoàn thiện, phát triển thành công kỹ thuật luyện gang lò cao với quy mô lớn và xây dựng hai lò cao mang tên NX1 và NX2 tại thung lũng Đồng Mười (Thanh Hóa) vào cuối năm 1951. Trong đó, lò cao NX1 có dung tích 6,7 m3 chuyên để sản xuất và lò cao NX2 có dung tích 2 m3 chủ yếu để nghiên cứu. Chỉ trong 2 năm, hai lò cao này đã sản xuất hơn 400 tấn gang phục vụ các xưởng sản xuất vũ khí và một số nông cụ, góp phần đáp ứng nhu cầu của tiền tuyến và hậu phương.

Tuy nhiên, cuối năm 1952, quân đội Pháp đã phát hiện ra hai lò cao này và liên tiếp ném bom đánh phá. Tình thế này buộc các cán bộ kỹ sư và công nhân tìm phương án giải quyết và đề xuất việc xây dựng lò cao ngay trong hang núi Đồng Mười. Việc xây dựng hệ thống lò cao to lớn và cồng kềnh trong hang núi đá là vô cùng khó khăn, phức tạp về kỹ thuật nhất là khi ta chưa có nhiều kinh nghiệm. Đây cũng là điều chưa có tiền lệ trên thế giới, nhất là khi chiến tranh diễn ra ác liệt.

Tháng 01/1953, các kỹ sư và công nhân bắt đầu vừa cải tạo hang đá, vừa di chuyển hàng trăm tấn máy móc vào trong hang cũng như nghiên cứu giải quyết các vấn đề kỹ thuật phát sinh như xử lý hệ thống xả hơi, xả hơi độc, thoát khói... Bằng ý chí, nghị lực sáng tạo, đến tháng 7/1953, đội ngũ kỹ sư và công nhân đã di chuyển toàn bộ lò cao NX1, NX2 vào trong hang. Trong suốt thời gian xây dựng, địch ném bom dữ dội bên ngoài nhưng bên trong, đội ngũ kỹ sư, công nhân ta vẫn bình tĩnh vận hành lò. Vào tháng 11/1953, lò cao NX3 có dung tích tới 8,3 m3, cao 13 m được xây dựng mới trong lòng hang đá chính thức hoạt động.

Việc lắp đặt thành công lò cao NX3 đi vào vận hành sản xuất ổn định, mỗi ngày sản xuất ra trung bình 3 tấn gang cung cấp cho việc sản xuất vũ khí ở các chiến trường cũng đúng vào lúc quân và dân ta làm nên chiến thắng to lớn tại đèo Hải Vân (tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng), vì vậy lò cao NX3 được mang tên là “Lò cao Hải Vân”. Toàn bộ hệ thống lò cao này được duy trì vận hành đến tận tháng 12/1954.

lò cao Di tích Lò cao kháng chiến Hải Vân - Lò cao NX3 (Ảnh K.M.S)

Hầu hết các xí nghiệp sản xuất hoạt động trong những lĩnh vực kể trên đều là xí nghiệp quốc doanh, chủ yếu hoạt động không vì lợi nhuận mà vì sản xuất những thứ thiết yếu cho công cuộc kháng chiến và đáp ứng nhu cầu dân sinh. Các xí nghiệp quốc doanh được Chính phủ bao cấp toàn bộ vật tư sản xuất, trang thiết bị cũng như tiền lương, phúc lợi cho công nhân. Trong thời gian đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, cách quản lý này đã giúp cán bộ, công nhân đỡ lo lắng về tài chính, tập trung sản xuất, song dần gây ra tâm lý ỷ lại. Từ năm 1952 trở đi, Chính phủ chủ trương chấn chỉnh các xí nghiệp quốc doanh. Bộ Công Thương đề xuất một số giải pháp cải tổ xí nghiệp quốc doanh và nguyên tắc mới trong quản lý, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tài chính tại các đơn vị sản xuất quốc doanh.

Theo đó, một số xí nghiệp có hiệu quả kinh doanh thấp bị thu hẹp các hoạt động kém hiệu quả, đình chỉ hoặc giải thể, số còn lại phải chấn chỉnh hoạt động theo các điều lệ mới về doanh nghiệp quốc doanh nêu tại Sắc lệnh số 127/SL ngày 04/11/1952 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký. Các điều lệ này xác định các doanh nghiệp quốc doanh là tổ chức kinh doanh của Nhà nước nhằm mục đích xây dựng và phát triển bộ phận kinh tế nhà nước; lãnh đạo và giúp đỡ kinh tế hợp tác xã và kinh tế tư nhân phát triển theo những phương châm, chính sách và kế hoạch kinh tế của Chính phủ; tích lũy vốn và tăng thu cho tài chính quốc gia.

Đây được xem là chủ trương quan trọng, đánh dấu bước ngoặt trong tư duy quản lý bộ phận kinh tế quốc doanh của ta. Nhờ có chủ trương này, các xí nghiệp đều phải tính toán hiệu quả tài chính, cải tiến hoạt động sản xuất và nâng cao ý thức quản lý để dần giảm giá thành sản xuất.

b) Tiểu thủ công nghiệp

Trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt khiến hoạt động sản xuất công nghiệp hàng hóa khó phát triển, hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết các nhu cầu kháng chiến và nhu cầu dân sinh. Vai trò của tiểu thủ công nghiệp trong công cuộc kháng chiến được xác định: “Phải khuyến khích thủ công nghiệp và tiểu công nghiệp, đặng chế ra những vật phẩm thay thế cho hàng công nghiệp”3.

Bên cạnh các làng nghề truyền thống nằm trong vùng tự do, trong thời kỳ này xuất hiện thêm nhiều cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp do các nhà tư sản hoặc thợ thủ công từ thành thị tản cư theo kháng chiến lập ra. Lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp trong giai đoạn này xoay quanh chủ yếu hoạt động sản xuất những mặt hàng dân sinh thiết yếu như rèn nông cụ, vải dệt, chiếu, chăn, thuộc da, giấy viết thủ công, xà phòng, gốm sứ, gạch, đường, nước mắm... nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân sinh sống trong vùng tự do. Một số ít sản phẩm như gốm sứ và dệt thủ công được giới thương nhân thu mua và chuyển ra bán tại khu vực vùng tạm bị địch chiếm, tuy nhiên khối lượng không lớn.

Hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp chủ yếu dựa vào dụng cụ thô sơ và một số ít máy móc, đồng thời tận dụng tối đa nguồn nguyên vật liệu địa phương. Đến những năm cuối chiến tranh, nhiều cơ sở sản xuất đã bắt đầu tập hợp lại tại các thị trấn, vùng dân cư lớn thay vì nằm phân tán, rải rác như trước đây.

Bộ Kinh tế chủ trương khuyến khích phát triển tất cả các hoạt động sản xuất tiểu, thủ công nghiệp, chỉ trừ một số lĩnh vực không thích hợp với điều kiện, yêu cầu của cuộc kháng chiến như làm vàng mã, hương, đồ thờ... Những lĩnh vực sản phẩm tối cần thiết như vải dệt, cơ khí sản xuất dụng cụ nông, lâm nghiệp, diêm tiêu... được hỗ trợ về vốn tài chính cũng như vật tư đầu vào, kể cả tổ chức chuyển máy móc, nguyên, vật liệu cần thiết từ vùng tạm bị địch chiếm cho dù phần lớn các cơ sở sản xuất này là thuộc tư nhân. Nhờ các chính sách khuyến khích, nhiều nhà tư sản dân tộc tản cư theo kháng chiến đã mở xưởng dệt, diêm, xà phòng...

Nha Tín dụng sản xuất đã cho hàng trăm cơ sở tại các liên khu vay hàng triệu đồng để mở mang sản xuất. Đồng thời, Nha Khoáng chất Kỹ nghệ thường xuyên cử các cán bộ đi trực tiếp gặp các cơ sở sản xuất để nắm tình hình, hỗ trợ kịp thời cũng như phổ biến các kỹ thuật sản xuất mới. Tại Việt Bắc, nhiều làng nghề dệt truyền thống của đồng bào dân tộc đã được hỗ trợ kỹ thuật dệt để sản xuất được vải khổ rộng, kỹ thuật ươm tơ sợi để nâng cao sản lượng, giúp đáp ứng phần nào nhu cầu vải may mặc cho nhân dân cũng như bộ đội. Bên cạnh đó, việc phổ biến các kỹ thuật rèn đúc đã giúp đồng bào có các loại nông cụ mới, góp phần cải thiện hiệu quả canh tác nông nghiệp, gia tăng sản lượng lương thực.

Tại một số khu vực thuộc Liên khu V, mức sản xuất giấy từ các cơ sở sản xuất thủ công đủ đáp ứng phần lớn nhu cầu giấy cho học tập, công tác của bộ đội và nhân dân địa phương. Trong khi đó, tại khu vực Nam Bộ, nhiều cơ sở làm mật mía, ép dầu với máy quay ly tâm thô sơ đã ra đời, xưởng làm đồ gốm, sứ vừa làm sản phẩm dân dụng vừa làm các loại khuôn đúc đạn, vỏ mìn bằng sành, vỏ ximăng cho lựu đạn... phục vụ quân giới tạo ra những loại vũ khí hiệu quả.

Sự phát triển của các cơ sở sản xuất tiểu, thủ công nghiệp đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo tự giải quyết, tự đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của nhân dân và lực lượng vũ trang trong suốt thời gian kháng chiến gian khổ, thiếu thốn nhiều loại hàng hóa. Đồng thời, sự phát triển của lĩnh vực tiểu, thủ công nghiệp còn giúp cải thiện thu nhập, tạo việc làm cho một bộ phận đáng kể người dân trong vùng tự do, góp phần ổn định đời sống nhân dân và đấu tranh kinh tế với địch.


1. Viện Lịch sử Đảng: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, Sđd, t.3, tr.137.

2. Nha Khoáng chất Kỹ nghệ được đổi tên thành Nha Kỹ nghệ theo Sắc lệnh số 143/SL ngày 21/12/1949 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về việc đổi tên Nha Thương vụ và Nha Khoáng chất Kỹ nghệ.

3. Trường Chinh: Tuyển tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, t.I, tr.392.

Danh mục

Tùy chỉnh