II. CÔNG NGHIỆP

nhà máy xi măng

Nhà máy Xi măng Hải Phòng phục hồi sản xuất sau khi bị phá hoại nặng nề bởi chiến tranh, năm 1955 (Ảnh: Thông tấn Việt Nam)

đại biểu Liên Xô

Đoàn đại biểu Chính phủ Liên đến thăm phòng tuốcbin Nhà máy Điện Yên Phụ, tháng 4/1956 (Ảnh: Thông tấn Việt Nam)

cơ khí Hà Nội

Lễ khánh thành Nhà máy khí Nội (Ảnh: Thông tấn Việt Nam)

II. CÔNG NGHIỆP

nhà máy xi măng

Nhà máy Xi măng Hải Phòng phục hồi sản xuất sau khi bị phá hoại nặng nề bởi chiến tranh, năm 1955 (Ảnh: Thông tấn Việt Nam)

đại biểu Liên Xô

Đoàn đại biểu Chính phủ Liên đến thăm phòng tuốcbin Nhà máy Điện Yên Phụ, tháng 4/1956 (Ảnh: Thông tấn Việt Nam)

cơ khí Hà Nội

Lễ khánh thành Nhà máy khí Nội (Ảnh: Thông tấn Việt Nam)

3. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực

Những năm 1955 - 1956, các trường trung cấp kỹ thuật được thành lập mới, hoặc khôi phục trên cơ sở trường cũ của Pháp như Trường Kỹ nghệ thực hành Hà Nội. Tháng 02/1955, Trường đổi tên thành Trường Trung cấp Kỹ thuật I Hà Nội1. Đây là trường kỹ thuật chính quy đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trường có hai hệ đào tạo chính: hệ sơ cấp (đào tạo công nhân kỹ thuật các ngành tiện, nguội, gò hàn mộc); hệ trung cấp (đào tạo kỹ thuật viên mà lúc đó gọi là cán bộ kỹ thuật trung cấp các ngành cơ khí, điện, động lực và đúc - luyện kim).

Ngày 15/02/1955, Trường Trung cấp Kỹ thuật I Hà Nội khai giảng khóa I.

Sau 5 năm (1955 - 1959), Trường đã đào tạo hơn 700 cán bộ chuyên môn và công nhân kỹ thuật, những học viên ra trường đã đáp ứng kịp thời nhu cầu cán bộ kỹ thuật và quản lý, điều hành các xí nghiệp, viện, trường... trong những ngày đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

Trường Trung cấp Kỹ thuật I Hà Nội đã ba lần vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm (ngày 02/9/1955, ngày 26/01/1957 và ngày 27/5/1957).

Đồng thời, một số trường trung cấp nghiệp vụ về thương mại, ngoại thương, vật tư lần lượt được thành lập. Mặc dù thiếu thốn về cơ sở vật chất, phương tiện, kinh nghiệm đào tạo, nhưng một số trường đã tranh thủ được sự giúp đỡ và hợp tác của chuyên gia Trung Quốc, Liên Xô và các cơ sở sản xuất, phân phối trong nước để xây dựng các chương trình, bài giảng, tổ chức những khóa đào tạo đầu tiên. Trong thời kỳ khôi phục kinh tế (1958 - 1960), nhiều trường trung cấp kỹ thuật và trường nghề đào tạo công nhân ra đời nhằm phục vụ ngay cho các đơn vị trong ngành sản xuất, như: Trường Trung cấp Kỹ thuật Mỏ, Trường Công nhân kỹ thuật Cơ điện Bắc Thái, Trường Trung cấp Địa chất, Trường Lái xe mỏ, Trường Kỹ thuật Điện lực...

Theo thời gian, phần lớn các trường đều mở rộng chương trình và cơ sở đào tạo. Điển hình như Trường Trung cấp Kỹ thuật III (Nam Định) từ đào tạo học viên ngành sợi - dệt ban đầu đã mở ra các chuyên ngành cơ khí, lò hơi, đường, mì chính, tinh bột, muối, chế biến gỗ... Đến năm 1965, Trường Trung cấp kỹ thuật III tách ra thành 3 trường: Trung học Kỹ thuật cơ khí vật dụng Hà Bắc; Trung học Kỹ thuật muối Đồ Sơn (Hải Phòng) và Trung học Kỹ thuật Dệt (Nam Định). Với Trường Kỹ thuật Trung cấp Thương nghiệp, trong những năm đầu mới thành lập, chủ yếu thực hiện chương trình kế hoạch đào tạo cán bộ trung cấp trong ngành về các môn vật giá, kế toán tài vụ, sau đó mở rộng ra các môn thống kê kế hoạch, tổ chức kỹ thuật, lao động tiền lương, thương phẩm, kỹ thuật bảo quản hàng hóa, kho tàng... Đến năm 1961, Trường Kỹ thuật Trung cấp Thương nghiệp được tách thành hai cơ sở đào tạo: Trường Trung cấp Thương nghiệp và Trường Trung cấp Thương phẩm, đều trực thuộc Bộ Nội thương.

Khoa Quan hệ quốc tế nằm trong Trường Đại học Kinh tế - Tài chính (nay là Trường Đại học Kinh tế quốc dân) nhưng do Bộ Ngoại giao trực tiếp quản lý về nội dung. Đến năm 1962, Khoa Quan hệ quốc tế tách ra khỏi Trường Đại học Kinh tế - Tài chính để thành lập Trường Cán bộ Ngoại giao - Ngoại thương (bậc đại học) theo Quyết định số 74-CP ngày 20/6/1962 của Chính phủ. Bộ môn Ngoại thương cũng được nâng lên thành Khoa Ngoại thương. Về giáo trình giảng dạy, khi còn là Khoa Quốc tế, chủ yếu dựa vào các chương trình của Liên Xô và Trung Quốc về nghiệp vụ xuất, nhập khẩu với một số môn hướng dẫn các thao tác cụ thể về đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán ngoại thương, vận tải giao nhận ngoại thương... Khi nâng cấp thành bậc đại học, Khoa Ngoại thương đã cử một số giảng viên về các tổng công ty xuất, nhập khẩu để tìm hiểu thực tiễn, thu thập tài liệu và nghiệp vụ ngoại thương thực tế. Nội dung các bài giảng bước đầu đã có liên hệ ít nhiều với thực tế ngoại thương Việt Nam.

Năm 1960, Trường Thương nghiệp Trung ương (Trường Đại học Thương mại ngày nay) được thành lập trực thuộc Bộ Nội thương, có nhiệm vụ đào tạo cán bộ trung cấp nghiệp vụ kỹ thuật thương nghiệp, bồi dưỡng cán bộ quản lý kinh tế và bổ túc văn hóa trong ngành. Chương trình đào tạo gồm các môn vật giá, kế toán tài vụ, thống kê kế hoạch, tổ chức kỹ thuật, lao động tiền lương, thương phẩm, kỹ thuật bảo quản hàng hóa, kho tàng... Về sau, trường còn đảm nhiệm một phần công tác nghiên cứu, hoạch định chính sách. Cụ thể, trường phối hợp với các vụ chuyên môn của Bộ Nội thương trong việc xây dựng các chính sách quản lý thị trường nội địa; quy hoạch mạng lưới bán lẻ, bán buôn; xây dựng chế độ kế toán, thống kê, Điều lệ tổ chức ngành, Điều lệ bán lẻ. Đây cũng là cơ hội tốt để cán bộ, giáo viên của trường vận dụng lý thuyết vào thực tiễn, liên hệ thực tế để giảng dạy các môn học và thể hiện sự đóng góp của đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường đối với ngành.

Các trường trung cấp và đại học đã cung cấp nguồn cán bộ kỹ thuật cho các phân ngành công nghiệp, các cán bộ thương nghiệp, vật tư, nghiệp vụ xuất, nhập khẩu, thanh toán quốc tế... Nhiều trường trở thành cái nôi đào tạo cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo ngành Công Thương, như Trường Kỹ thuật chuyên nghiệp Hà Nội (nay là Đại học Công nghiệp Hà Nội) là nơi học tập của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng Trần Lum (khóa học 1955 - 1957); Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lại Văn Cử (khóa học 1956 - 1958); Bộ trưởng, Trưởng ban Tổ chức cán bộ Chính phủ Đỗ Quang Trung (khóa học 1961 - 1963)...


1. Trường Trung cấp Kỹ thuật I Hà Nội chính là tiền thân của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội ngày nay.

1. Khôi phục và phát triển công nghiệp (1955 - 1957)

a) Tình hình và chủ trương

Công nghiệp miền Bắc sau ngày hòa bình lập lại bị tàn phá và xuống cấp nghiêm trọng. Năm 1955, giá trị tổng sản lượng công nghiệp giảm 61% so với năm 1939 - năm phát triển cao nhất trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Trong vùng tự do cũ, hầu hết các nhà máy lớn và quan trọng, như Xe lửa Trường Thi, Diêm Bến Thủy, Điện Thanh Hóa, Phốtphát Hàm Rồng... đều đã bị phá hủy hoàn toàn hoặc tê liệt hoạt động.

Trong vùng mới tiếp quản, nhiều nhà máy, hầm mỏ bị đình đốn hoặc sản xuất cầm chừng do không có phụ tùng thay thế hoặc thiếu nguyên liệu. Trong các cơ sở công nghiệp tư doanh và thủ công nghiệp, người giỏi nghề cũng không còn nhiều, do một số đã di cư vào Nam.

Trước tình hình đó, Nghị quyết Bộ Chính trị tháng 9/1954 đã đề ra nhiệm vụ cấp bách là khôi phục sản xuất ngang mức trước chiến tranh; trong đó nhấn mạnh: “Cần hết sức coi trọng công tác phục hồi công thương nghiệp, làm cho các xí nghiệp công và tư hiện có được tiếp tục kinh doanh, làm cho thị trường hoạt động, vật giá ổn định, phục hồi và phát triển mậu dịch đối ngoại”1.

Nghị quyết cũng nêu rõ việc phục hồi công nghiệp, thương nghiệp đối với từng thành phần kinh tế:

“Công thương nghiệp tư nhân nhất loạt được bảo hộ. Đối với công thương nghiệp của địa chủ cũng nhất loạt không đụng đến. Phàm là công thương nghiệp có lợi cho quốc kế dân sinh đều được khuyến khích phục hồi và phát triển”2.

nhà máy xi măng

Nhà máy Xi măng Hải Phòng phục hồi sản xuất sau khi bị phá hoại nặng nề bởi chiến tranh, năm 1955 (Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam)

“Đối với công thương nghiệp của Pháp kiều, theo Hiệp nghị ở Giơnevơ, ta không tịch thu, cũng không bài trừ hoặc tiếp quản. Ta cần thi hành lời hứa thừa nhận quyền lợi kinh tế của Pháp ở Việt Nam. Chính sách có thể áp dụng được là: không xâm phạm đến tài quyền của Pháp kiều, nhưng bắt họ phải tuân theo pháp luật của Chính phủ ta và phục hồi kinh doanh, không được đình chỉ kinh doanh”3.

“Công thương nghiệp quốc doanh là thành phần lãnh đạo trong nền kinh tế quốc dân, là nhân tố quan trọng để ổn định thị trường nên cần được Đảng hết sức coi trọng”4.

Tháng 3/1955, báo cáo về đường lối khôi phục kinh tế do Chính phủ trình bày trước Quốc hội khóa I, kỳ họp thứ 4 có một số điểm nổi bật: Một là, chú trọng gây dựng cơ sở cho công nghiệp hóa; Hai là, phát triển sản xuất làm cho kinh tế dồi dào, công tư đều được quan tâm, người lao động và chủ lao động đều có lợi; Ba là, tăng cường kinh tế quốc doanh, chăm lo kinh tế hợp tác xã, khuyến khích sản xuất - kinh doanh của các tầng lớp tiểu tư sản và tư sản dân tộc.

Có thể coi đây là thời kỳ tương đối cởi mở trong xây dựng kinh tế. Một mặt coi công thương nghiệp quốc doanh là thành phần lãnh đạo trong nền kinh tế quốc dân; mặt khác, công nhận và khuyến khích tất cả các thành phần kinh tế khác phát triển. Tư duy này dường như tương đồng với Chính sách kinh tế mới (NEP) do V.I. Lênin khởi xướng năm 1922. Theo đó, Liên Xô chấp nhận một hệ thống kinh tế bao gồm các doanh nghiệp quốc doanh đồng thời với: (1) Thị trường tự do; (2) Cơ sở sản xuất theo kiểu tư bản - hai đối tượng đều thuộc sự giám sát, quản lý của nhà nước5.

b) Khôi phục, phát triển công nghiệp

Bước vào giai đoạn khôi phục và xây dựng công nghiệp hiện đại, phương châm là phải dựa vào sức mình là chính, sử dụng có hiệu quả sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, mời chuyên gia nước bạn sang hướng dẫn hoặc gửi cán bộ, công nhân đi học tập ở nước ngoài.

Chính sách đầu tư thời kỳ này tập trung cao độ cho công nghiệp, nhất là công nghiệp nặng chế tạo tư liệu sản xuất nhằm đạt được tiến bộ căn bản của ngành và nhanh chóng hình thành nền công nghiệp theo hướng hiện đại, làm cơ sở cho sự độc lập, tự chủ của nền kinh tế. Trong tổng vốn đầu tư cơ bản của Nhà nước cho các ngành sản xuất vật chất, vốn đầu tư vào công nghiệp tăng rất nhanh: từ 7,4% năm 1955 lên 36% năm 1956 và vượt ngưỡng 50% năm 1957.

Tư tưởng chỉ đạo của Chính phủ và ngành Công Thương trong thời gian này là, cùng với việc khôi phục sản xuất công nghiệp ngang mức trước chiến tranh, cần lo ngay việc xây dựng một số ngành công nghiệp phục vụ cho sản xuất mà trước đây, trong thời Pháp thuộc không có, hoặc có nhưng không đáng kể, và quan tâm đến công nghiệp phục vụ tiêu dùng.

đại biểu Liên Xô

Đoàn đại biểu Chính phủ Liên Xô đến thăm phòng tuốcbin Nhà máy Điện Yên Phụ, tháng 4/1956 (Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam)

Kết quả, trong một thời gian ngắn, miền Bắc đã khôi phục về căn bản các nhà máy, xí nghiệp quan trọng, gồm 19 xí nghiệp ở vùng tự do: Than Quán Triều, Than Làng Cẩm, Than Quyết Thắng, Than Tân Trào, Than Bố Hạ, Giấy Hoàng Văn Thụ, Giấy Lửa Việt, Giấy Lam Sơn, Giấy Hồng Phong, Giấy Lao Động, Phân bón Nam Phát, Phân bón Lang Hít, Phân bón Đông Khê, Phân bón Bến Thủy, Xưởng Phim, Nhà in Tiến Bộ, Xưởng Cơ khí Giao thông, Xưởng Thuốc bào chế, Mỏ Cromit Cổ Định; và 9 xí nghiệp ở vùng mới giải phóng: Than Hồng Gai, Điện Hải Phòng, Điện Hà Nội, Điện Nam Định, Ximăng Hải Phòng, Dệt Nam Định, Nước đá Hà Nội, Rượu Hà Nội, Phốtphát Hải Phòng6.

Miền Bắc đã xây dựng được 18 xí nghiệp mới, ở mức tương đối hiện đại lúc bấy giờ như các nhà máy: Chè Phú Thọ, Thuốc lá Thăng Long, Xay xát gạo Hà Nội, Gỗ dán Cầu Đuống, Diêm Thống Nhất, Cá hộp Hải Phòng, một số nhà máy điện...

Với tư tưởng ngoại giao “phải luôn luôn vì lợi ích của dân tộc mà phục vụ”, ngay sau khi ổn định tình hình của một nửa đất nước sau chiến tranh, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ Việt Nam thăm ba nước Liên Xô, Trung Quốc, Mông Cổ từ ngày 22/6 đến ngày 22/7/1955, mở ra thời kỳ các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới ủng hộ và giúp đỡ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân Việt Nam.

Sau chuyến thăm, một loạt các thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ Liên Xô, Trung Quốc và Mông Cổ được ký kết. Trong hai năm, Liên Xô giúp Việt Nam các thiết bị máy móc, kỹ thuật trị giá 306 nghìn triệu đồng (tiền ngân hàng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) để khôi phục và phát triển 25 xí nghiệp; Trung Quốc giúp khôi phục hệ thống đường sắt, bến tàu, tu sửa cầu đường, xây dựng nhà máy dệt, nhà máy thuộc da, nhà máy giấy... trị giá 1.224 nghìn triệu đồng trong 5 năm; Mông Cổ giúp 500 tấn thịt và một số bò và cừu để lập một nông trường chăn nuôi.

Trong 3 năm (1955 - 1957), Việt Nam ký liên tiếp các hiệp định kinh tế thương mại với các nước xã hội chủ nghĩa như: Hiệp định viện trợ kinh tế - kỹ thuật với Liên Xô (tháng 7/1955); với Hunggari (tháng 12/1955); Hiệp định thương mại với Bungari (tháng 01/1956); với Tiệp Khắc (tháng 01/1956); Hiệp định viện trợ hàng hóa với Cộng hòa Dân chủ Đức (tháng 01/1956); Hiệp định mậu dịch năm 1956 với Cộng hòa Dân chủ Đức (tháng 3/1955); Hiệp định viện trợ kinh tế và Mậu dịch Việt Nam - Rumani (tháng 4/1956); Hiệp định trao đổi hàng hóa Việt Nam - Rumani (tháng 02/1957); Hiệp định trao đổi hàng hóa và thanh toán Việt Nam - Tiệp Khắc (tháng 3/1957)...7.

cơ khí Hà Nội

Lễ khánh thành Nhà máy Cơ khí Hà Nội (Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam)

Trong các công trình viện trợ, Nhà máy Cơ khí Hà Nội - còn gọi là Nhà máy Cơ khí trung quy mô, được đánh giá vào loại hiện đại do Liên Xô giúp xây dựng xong vào cuối năm 1957 có thể chế tạo các máy công cụ cắt gọt chính xác, như máy tiện, máy phay, máy bào, máy khoan; hằng năm, Nhà máy bán ra thị trường 600 chiếc máy cái.

Kết quả, số lượng các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh tăng từ 41 cơ sở (năm 1954) lên 151 cơ sở (năm 1957); trong đó 2/3 là xí nghiệp công nghiệp trung ương và 1/3 là xí nghiệp công nghiệp địa phương.

Nhờ vậy, chỉ trong vòng 3 năm 1955 - 1957, giá trị sản lượng công nghiệp quốc doanh tăng gấp 6,94 lần, từ 34 tỉ đồng lên 236 tỉ đồng. Nếu cuối năm 1954, giá trị sản lượng công nghiệp chỉ chiếm 1,5% tổng giá trị sản lượng công - nông nghiệp thì đến năm 1957 đã tăng lên 9,3%. Công nghiệp tư bản tư doanh và tiểu chủ công nghiệp cũng đạt hiệu quả cao trong thời kỳ này; năm 1955 có trên 51,6 nghìn cơ sở và trên 128,6 nghìn công nhân, đến năm 1956 tăng lên gần 55 nghìn cơ sở và 161 nghìn công nhân.

Kết thúc thời kỳ khôi phục, sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của miền Bắc đã đạt ngang và vượt mức năm 1939 - là năm cao nhất dưới thời Pháp thuộc; trong đó, sản phẩm tư liệu sản xuất (nhóm A) bằng 72%, sản phẩm công nghiệp nhẹ (nhóm B) bằng 112% so với năm 19398.

Cụ thể là, sản lượng điện tăng từ 53 triệu kWh lên 121,2 triệu kWh (năm 1939 là 122,6 triệu kWh); than tăng từ 0,6 triệu tấn lên 1,1 triệu tấn (năm 1939 là 2,6 triệu tấn); ximăng tăng từ 8.500 tấn lên 165.100 tấn (năm 1939 là 305.800 tấn); phân bón hóa học tăng từ 6.400 tấn lên 22.500 tấn (năm 1939 là 35.000 tấn); giấy tăng từ 800 tấn lên 2.400 tấn (năm 1939 là 3.000 tấn); diêm tăng từ 2,4 triệu bao lên 87,2 triệu bao (năm 1939 là 323 triệu bao); vải tăng từ 8,8 triệu mét lên 68,1 triệu mét (năm 1939 là 20,1 triệu mét); sợi bông tăng từ 200 tấn lên 9.400 tấn (năm 1939 là 12.900 tấn); gạch xây dựng tăng từ 51 triệu viên lên 409,2 triệu viên; gỗ xẻ tăng từ 29.800 m3 lên 89.600 m3; xà phòng tăng từ 700 tấn lên 2.600 tấn; thuốc chữa bệnh các loại tăng từ 12,1 triệu ống và 69,3 triệu viên lên 45,4 triệu ống và 188 triệu viên...9.

nhà máy sàng

Nhà máy Sàng Cửa Ông do người Pháp xây dựng năm 1924 (Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam)

Người Anh hùng Lao động đầu tiên của ngành Than

Năm 1955, vùng mỏ hoàn toàn giải phóng, cùng với cả miền Bắc, công nhân Xí nghiệp Bến Cửa Ông khẩn trương bắt tay vào khôi phục sản xuất. Trước đó, khi chuẩn bị rút đi, người Pháp đã phá hủy máy móc, nhà sàng và bến cảng Cửa Ông (nay là Công ty Tuyển than Cửa Ông thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam), làm đảo lộn toàn bộ hệ thống điện. Người Pháp còn tuyên bố: “Ít ra cũng phải 20 đến 25 năm nữa, người An Nam mới đào được than và đưa sản xuất trở lại”.

Ngay các công nhân cũng cho rằng, muốn khắc phục phải tốn nhiều thời gian và công sức, thậm chí nguy hiểm đến cả tính mạng, bởi họ đã mang đi các thiết bị điện quan trọng, các sơ đồ của các hệ thống điện, nhất là hệ thống điện cao thế phục vụ cho cầu trục ở cảng.

Tuy nhiên, với phẩm chất thông minh, sáng tạo và trí nhớ tuyệt vời, người thợ điện Lê Văn Hiển trong một thời gian rất ngắn đã vẽ lại toàn bộ hệ thống mạng điện của xí nghiệp. Chưa đầy một tháng, bến cảng, nhà máy hàn hơi, nhà máy luyện than, đường dây cao thế ở cảng Cửa Ông, hệ thống vận tải đường sắt, các đầu máy kéo than và hệ thống cần trục đều đã được sửa chữa và đi vào hoạt động.

Ngày 07/7/1958, công nhân Lê Văn Hiển đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, là người đầu tiên của ngành Than được tặng danh hiệu cao quý này.

Năm 1965, Anh hùng Lê Văn Hiển cùng với đội ngũ công nhân Xí nghiệp Bến Cửa Ông đã hoàn thành xuất sắc kế hoạch sản xuất, được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi. Năm 1967, đại đội tự vệ phân xưởng sàng đã được tuyên dương đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, cũng là đơn vị anh hùng đầu tiên của vùng mỏ. Năm 1968, cán bộ, công nhân viên Xí nghiệp đã thi đua hoàn thành toàn diện kế hoạch sản xuất trước thời hạn 48 ngày, một lần nữa Xí nghiệp được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện khen.

Nguồn: Vinacomin.vn và báo Quảng Ninh.

c) Xác lập hệ thống quản lý mới

Theo Nghị định số 91/BCN-QĐ ngày 28/3/1956, Bộ Công nghiệp được tách ra từ Bộ Công Thương, có chức năng quản lý hành chính - kinh tế - kỹ thuật các xí nghiệp quốc doanh và hợp doanh của ngành, tổ chức điều tra, thăm dò tài nguyên, quy hoạch và đào tạo cán bộ, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp trong tình hình mới.

Điểm nhấn quan trọng của thời kỳ này là bắt đầu hình thành tổ chức bộ máy phục vụ công tác kế hoạch hóa nền kinh tế. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8 khóa II (tháng 8/1955), lần đầu tiên vấn đề kế hoạch hóa kinh tế được nêu lên: “Sau khi khôi phục, nhất định chúng ta phải kiến thiết miền Bắc một cách có kế hoạch”10. Việc xây dựng bộ máy được tiến hành rất khẩn trương, Ủy ban Kế hoạch quốc gia được thành lập theo Thông tư số 603/TTg ngày 14/10/1955. Hệ thống kế hoạch cũng dần được hoàn chỉnh: cấp tỉnh có ủy ban kế hoạch tỉnh, cấp huyện có phòng kế hoạch huyện, các bộ có vụ kế hoạch, các xí nghiệp có phòng kế hoạch.

thủy điện Tà Sa

Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Trần Đại Nghĩa cắt băng khánh thành Nhà máy Thủy điện Tà Sa - Na Ngàn (Cao Bằng), ngày 19/11/1957 (Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam)

Thông tư số 603/TTg về việc thành lập Ủy ban Kế hoạch quốc gia nêu rõ: “Trong chế độ kinh tế dân chủ nhân dân của chúng ta ở miền Bắc, việc khôi phục và phát triển kinh tế và văn hóa phải dần dần kế hoạch hóa. Ủy ban Kế hoạch quốc gia sẽ thực hiện từng bước công việc kế hoạch hóa, bảo đảm việc củng cố miền Bắc”.

Tháng 12/1955, Ủy ban Kế hoạch quốc gia đã xây dựng kế hoạch năm 1956 trình Hội đồng Chính phủ thông qua. Đây là kế hoạch đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nội dung chủ yếu của kế hoạch hóa kinh tế là Nhà nước quản lý trực tiếp bằng các chỉ tiêu, kế hoạch mang tính pháp lệnh, quy định chặt chẽ cho các bộ, địa phương, xí nghiệp sản xuất cái gì, sản xuất bao nhiêu, phân phối cho ai.

Tiếp đến, các tổ chức bộ máy phục vụ công tác kế hoạch hóa kinh tế dần dần hình thành. Tháng 02/1956, thành lập Cục Thống kê Trung ương, các ban thống kê địa phương, các cơ quan thống kê của các bộ, các xí nghiệp. Ngày 28/3/1956, thành lập Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ, có nhiệm vụ: “Thanh tra công tác các bộ, các cơ quan hành chính và chuyên môn các cấp, các doanh nghiệp của Nhà nước; thanh tra việc thực hiện kế hoạch Nhà nước, việc sử dụng, bảo quản tài sản nhà nước chống phá hoại tham ô và lãng phí”11.

Kế hoạch hóa kinh tế được gắn liền với hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Do đó, về quản lý, Chính phủ và các bộ đã ban hành các quy chế và biện pháp quan trọng sau:

- Về quản lý tiền mặt, cho phép xí nghiệp thực hiện tài chính - kế toán độc lập, được mở tài khoản riêng ở ngân hàng và buộc phải gửi tiền mặt, tiền séc vào ngân hàng; ngân hàng thông qua nghiệp vụ nhận gửi và cho vay mà theo dõi, giám sát và quản lý thu - chi cũng như hoạt động sản xuất của xí nghiệp theo kế hoạch (Thông tư số 05/TT-LB của liên bộ Công nghiệp và Ngân hàng Quốc gia ngày 21/11/1956).

- Về thuế, bổ sung một số quy định áp dụng thuế doanh nghiệp đối với mọi đối tượng kinh doanh, chỉ miễn trong trường hợp làm nhiệm vụ đặc biệt, nhất là luật phải nộp thuế hàng hóa đối với những hàng hóa đánh thuế, nhằm tăng cường nguồn thu cho ngân sách và thúc đẩy xí nghiệp cải tiến quản lý, tăng năng suất lao động và hạ giá thành sản phẩm (Chỉ thị số 758/TTg ngày 30/4/1956).

- Điều lệ số 735/TTg ngày 10/4/1956 tạm thời về Hợp đồng kinh doanh được ban hành nhằm tăng cường liên kết kinh tế và trách nhiệm vật chất đối với việc thực hiện cam kết hợp đồng giữa các xí nghiệp quốc doanh với nhau và giữa quốc doanh với tư doanh.

- Quyết định số 130/TTg ngày 04/4/1957 về việc áp dụng chế độ hạch toán kinh tế nhằm tăng cường sự quản lý tập trung của Nhà nước, đồng thời phát huy tính tích cực của xí nghiệp.

Mặc dù đến năm 1956, công tác kế hoạch hóa kinh tế đã được thực hiện đầy đủ trên các mặt tổ chức bộ máy, con người và hoạt động thực tiễn, nhưng miền Bắc lúc đó chưa phải là nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung như sau này. Bên cạnh các xí nghiệp quốc doanh thực hiện theo chỉ tiêu pháp lệnh, các thành phần kinh tế ngoài nhà nước vẫn tiếp tục được khuyến khích phát triển. Kinh tế tư nhân và cá thể được Nhà nước định hướng sản xuất - kinh doanh bằng chính sách, chứ không chịu sự phân công sản xuất theo kế hoạch.

Về đào tạo, bắt đầu xây dựng hệ thống các trường đại học khoa học - kỹ thuật, các trường cao đẳng, và trung học chuyên nghiệp và dạy nghề do Trung ương quản lý. Bộ Công nghiệp cũng thành lập các trường đào tạo của ngành như: Trường Trung cấp Kỹ thuật II ở Hà Nội đào tạo cán bộ kỹ thuật cho các ngành Hóa chất, Địa chất, Mỏ, Giấy, Thực phẩm; Trường Trung cấp Kỹ thuật III ở Nam Định đào tạo cán bộ kỹ thuật cho ngành Dệt.

Đối với công tác điều tra cơ bản, miền Bắc đã tiến hành thăm dò địa chất và khoáng sản, đánh giá tài nguyên 22 mỏ, nhằm phục vụ cho việc quy hoạch và kế hoạch phát triển công nghiệp, khảo sát, thiết kế xây dựng mới; đồng thời thu thập, xử lý nhiều tài liệu quý giúp cho việc mở rộng các mỏ cũ. Nhằm phục vụ công tác nghiên cứu, điều tra và khảo sát, Bộ Công nghiệp đã tổ chức một số đội khảo sát, các phòng thí nghiệm khoa học, nghiên cứu thành công nhiều đề tài cải tiến kỹ thuật và chế tạo thành công hơn 20 mặt hàng mới thay thế nhập khẩu.

mỏ thiếc

Một chuyên gia ngành Địa chất của Liên Xô đang giới thiệu tác dụng của mũi khoan máy thăm dò cho các công nhân Mỏ thiếc Tĩnh Túc - Cao Bằng (Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam)

“Đứa con đầu lòng” của ngành kim loại màu Việt Nam

Sau giải phóng miền Bắc, cùng các khai trường, hầm mỏ do người Pháp để lại, Cao Bằng được Trung ương định hướng tập trung vào ngành công nghiệp khai thác kim loại màu. Với sự giúp đỡ về vật chất của Liên Xô và các chuyên gia Liên Xô, ngày 25/10/1955, Mỏ thiếc Tĩnh Túc khởi công, đồng thời xây dựng đội ngũ công nhân, cải tạo lại các cơ sở, hầm mỏ sản xuất... Đúng một năm sau, ngày 06/10/1956, Xí nghiệp sản xuất Mỏ thiếc Tĩnh Túc được khánh thành và đi vào hoạt động.

Hồi ấy, để làm ra hạt quặng ở Tĩnh Túc, người thợ mỏ phải vượt qua biết bao gian khổ; đường sá xa xôi, rừng thiêng nước độc. Khi san gạt mặt bằng xây dựng mỏ, công nhân thấy có bộ hài cốt mà xương ống tay và xương ống chân vẫn bị còng xích sắt; bộ hài cốt khác thì phần xương sọ có chiếc đinh xuyên từ đỉnh đầu đến quai hàm. Những hiện vật này đang lưu giữ ở bảo tàng tỉnh Cao Bằng. Phải chăng, đó là hài cốt của những chiến sĩ cộng sản, hoạt động ở khu mỏ, bị địch tra tấn đã anh dũng hy sinh?

Những ngày đó, Cao Bằng trở thành niềm tự hào của cả nước với Mỏ thiếc Tĩnh Túc hiện đại - “đứa con đầu lòng” của ngành khai khoáng kim loại màu Việt Nam. Công trình khi đó có quy mô lớn nhất Đông Nam Á. Đến nay, nhiều thế hệ người lao động Tĩnh Túc vẫn nhớ đến những năm tháng hào hùng đó.

Thời điểm đó, Mỏ Tĩnh Túc có khoảng gần 4.000 công nhân. Từ sáng sớm, còi báo công nhân đi làm vang lên khắp thị trấn, công nhân đi làm theo ca, mỗi ngày có ba ca. Tuần này làm ca sáng thì tuần sau làm ca chiều, tuần sau nữa làm ca tối và cứ quay vòng như vậy. Hằng ngày có xe thùng của mỏ đến đón đi làm đông vui tấp nập.

Nguồn: Vinacomin.vn và báo Cao Bằng.

Khuyến khích công nghiệp tư doanh

Tháng 12/1956, Trung ương họp Hội nghị lần thứ 11 (mở rộng) về tình hình và nhiệm vụ kinh tế tài chính trước mắt. Báo cáo của Bộ Chính trị tại Hội nghị tiếp tục khẳng định: “Một vấn đề quan trọng vào bậc nhất hiện nay cần được kiểm điểm kỹ là chính sách đối với khu vực kinh tế tư nhân”12. Sau Hội nghị, Nghị quyết số 02 - NQ/TW được ban hành, yêu cầu: “Củng cố và xây dựng dần dần khu vực kinh tế tư bản nhà nước; ra sức phát huy mọi khả nǎng tiềm tàng của thủ công nghiệp và nghề phụ ở nông thôn, chú trọng tận dụng khả nǎng tích cực đồng thời ngăn ngừa mặt tiêu cực của công thương nghiệp tư doanh”13.

Đây cũng là thời kỳ có nhiều chính sách được luật hóa, nhằm hỗ trợ kinh tế ngoài nhà nước. Theo đề nghị của các bộ quản lý ngành Công Thương, Chính phủ ban hành Nghị định số 488/TTg ngày 30/3/1955 về việc đăng ký các loại kinh doanh công thương nghiệp; Quyết định số 609/TTg ngày 04/11/1955 của Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép kinh doanh và đăng ký kinh doanh công thương nghiệp; Nghị định số 708/TTg ngày 20/3/1956 ban hành Điều lệ tạm thời về các xí nghiệp tư nhân; Thông tư số 3191 ngày 09/12/1955 về việc phân công các ngành đăng ký công thương nghiệp.

làm nón

Chị em phụ nữ xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (nay thuộc thành phố Hà Nội) làm nón, tháng 10/1957 (Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam)

Chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tư nhân khá đa dạng. Có thể kể: hỗ trợ vốn lưu động dưới dạng cung cấp nguyên vật liệu; vay vốn; mậu dịch quốc doanh đặt hàng, cung cấp nguyên vật liệu và bao tiêu sản phẩm... Nhờ đó, các nghề và làng nghề thủ công mỹ nghệ tiêu điều trong chiến tranh đã hoạt động trở lại và phục hồi nhanh chóng, nhất là các ngành nghề phục vụ cho sản xuất và đời sống nhân dân. Tiêu biểu như làng nghề nón Chuông, đúc đồng Ngũ Xã, pháo Bình Đà, tơ lụa Hà Đông, giấy dó Đông Khê, sứ Bát Tràng, rèn Đa Hội, mộc Đồng Kỵ, sơn mài Đình Bảng, giò chả Ước Lễ...

Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tư nhân, cá thể tạo ra giá trị sản lượng hàng hóa lớn cho xã hội. Năm 1955 đạt 276 triệu đồng, năm 1956 đạt 466 triệu đồng, năm 1957 đạt 614 triệu đồng. Giai đoạn 1955 - 1957, tốc độ tăng giá trị sản lượng của công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tư nhân, cá thể đạt 222,4%14.

Nhìn chung, giai đoạn ba năm khôi phục và phát triển công nghiệp đã kết thúc thắng lợi. Nhờ sự huy động của Nhà nước và viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa, miền Bắc đã đặt nền tảng bước đầu xây dựng nền công nghiệp tự chủ với các phân ngành cơ khí, khai khoáng, điện năng, luyện kim, hóa chất, dược phẩm, ngành dệt, ngành giấy...; đồng thời phát huy được sức mạnh của các thành phần kinh tế tạo ra các sản phẩm phục vụ nhu cầu sản xuất, nhu cầu tiêu dùng; hoạt động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có vị trí, vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế và đời sống xã hội, phục vụ đắc lực cho các ngành nông, lâm, ngư nghiệp.

Nghị quyết số 02-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 11 (mở rộng) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam khóa II, đánh giá: “Những thành tích về việc khôi phục công nghiệp và thủ công nghiệp đã góp phần duy trì sinh hoạt của những thành thị mới giải phóng, giải quyết một phần nạn thất nghiệp, cung cấp một số hàng cho nhân dân và cho xuất khẩu, tập hợp và đào tạo được một số cán bộ và công nhân”15.

Việc khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế cùng phát triển có thể được xem là một thành tựu trong tư duy phát triển đất nước. “Thiết thực khuyến khích, hướng dẫn, giúp đỡ công nghiệp tư doanh sản xuất có lợi cho kinh tế quốc dân”16; “Sử dụng đúng mức khả năng của thương nghiệp tư nhân trong việc đẩy mạnh lưu thông hàng hóa trong nước, trong việc buôn bán với miền Nam và buôn bán với nước ngoài”17.

Vực dậy nghề rèn làng Vát

Thôn Việt Vân (hay còn gọi là làng Vát) là một làng cổ nằm ở phía tây nam xã Việt Thống, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, có nghề rèn nổi tiếng từ lâu đời đem lại việc làm và thu nhập cho người dân.

Với người làng Vát, không ai nhớ rõ khởi thủy của nghề rèn, nhưng theo các bậc cao niên trong làng thì nghề rèn đã có ít nhất gần nghìn năm tuổi. Vào thời Lý (thế kỷ XI), khi Thái úy Lý Thường Kiệt cho xây dựng phòng tuyến sông Cầu để đánh quân Tống thì người dân làng Vát đã lập thành xưởng rèn vũ khí phục vụ triều đình; hiện ngoài bờ đê vẫn còn mô đất là dấu tích minh chứng.

Dân làng đến nay vẫn kể cho nhau về sự nghiệp vẻ vang, được sử sách ghi lại gắn với sự tích Linh từ Quốc mẫu (vợ Thái sư Trần Thủ Độ) - là người có sáng kiến nhờ thợ làng Vát rèn một cây kiếm quý trao cho người có công để khích lệ quân nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông (thế kỷ XIII).

Sau những năm tháng thăng trầm, nghề rèn phát triển mạnh trở lại. Từ những năm 1945, Mặt trận Việt Minh về đặt vấn đề rèn kiếm và dao găm để cung cấp cho nhân dân trong vùng đánh Pháp đuổi Nhật. Thời kỳ 1949 - 1950, khi công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ của dân tộc bước sang giai đoạn phản công, yêu cầu rèn đúc các loại vũ khí đánh giặc được đặt ra, làng nghề đã rèn các loại vũ khí là giáo, mác, dao, kiếm...

Từ năm 1955 trở đi là thời kỳ phát triển nhất của làng nghề. Mậu dịch quốc doanh đặt gia công các sản phẩm như dao, kéo, liềm, cuốc... để phục vụ phát triển nông nghiệp. Cả làng tất bật với nghề, ba giờ sáng đã bắt đầu nổi lửa. Nhiều gia đình giàu lên nhờ làm nghề như hộ ông Khuông, ông Lương, ông Đốc, ông Minh, ông Quản Lưu, ông Quản Khôi... Thời kỳ này, Hợp tác xã lò rèn Việt Vân được thành lập với trên 30 lò rèn do ông Nguyễn Văn Chiền làm chủ nhiệm, có một tổ đảng với 6 - 7 đảng viên sinh hoạt. Cứ vào cuối tuần là cả làng lại tấp nập mang hàng lên thị xã để nhập cho Ty Thương nghiệp phân phối đi các nơi.

Đặc biệt vào năm 1960, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm đê sông Cầu và kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão của xã Việt Thống, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được nghe người dân kể về tình hình sản xuất của làng nghề. Sau đó, người thợ làng Vát được giao đánh 2 con dao cạo râu và kéo cắt tóc để gửi tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cụ Học và cụ Đốc được giao nhiệm vụ mang ra Trung ương tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh và được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cảm ơn.

Những năm 1966 - 1967, được sự giúp đỡ của các chuyên gia Triều Tiên, Nhà nước tổ chức xây dựng hệ thống trạm bơm ở Kim Chân, Hiền Lương, Phả Lại (thuộc huyện Quế Võ) để phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp. Các chuyên gia Triều Tiên đã trực tiếp về làng tuyển thợ giỏi để gò hàn các đầu mối quan trọng. Khi về làng, chuyên gia đã giao đồ cho hiệp thợ rèn làng Vát làm. Chỉ căn cứ bằng “mực mắt” và đôi tay lành nghề, người thợ đã nhanh chóng hoàn thành sản phẩm và được các chuyên gia đánh giá rất cao và có giấy chứng nhận thợ bậc 4, bậc 5 cho rất nhiều người thợ ở làng; trong đó, ông Nguyễn Văn Tụng và Nguyễn Văn Kiu được đoàn chuyên gia phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân”.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh.


1, 2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.15, tr.295.

3, 4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.15, tr.295-296, 296.

5. Xem Lenin: “The role and funcions of the trade unions under the new economic policy”, V.I. Lenin Collected Works, Progress Publishers, Moscow, Vol. 33, pp.184-196.

6. Xem Ban Chỉ đạo Biên soạn Lịch sử Chính phủ Việt Nam: Lịch sử Chính phủ Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t.2, tr.36.

7. Xem Ban Chỉ đạo Biên soạn Lịch sử Chính phủ Việt Nam: Lịch sử Chính phủ Việt Nam, Sđd, t.2, tr.39.

8, 9. Xem Bộ Công Thương: Sơ lược lịch sử ngành Công Thương Việt Nam, Nxb. Công Thương, Hà Nội, 2011, tr.112-113.

10. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.16, tr.507.

11. Sắc lệnh số 261/SL ngày 28/3/1956 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

12, 13. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.17, tr.697, 736-737.

14. Xem Bộ Công Thương: Sơ lược lịch sử ngành Công Thương Việt Nam, Sđd, tr.114-115.

15, 16, 17. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.17, tr.724, 739, 741.

Danh mục

Tùy chỉnh